Xung đột Trung Đông làm tê liệt mạng lưới bay quốc tế

VOH - Ngành hàng không toàn cầu đang phải đối mặt với khủng hoảng lớn khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông khiến các trung tâm hàng không nhộn nhịp nhất thế giới như Dubai và Doha (Qatar) bị tê liệt

Ngày 23/6, các hãng hàng không đã phải gấp rút hủy chuyến và thay đổi đường bay sau khi một số quốc gia Trung Đông tạm thời đóng cửa không phận do Iran tấn công căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ ở Doha.

Đây là biến động mới nhất đối với một khu vực vốn là tuyến đường bay then chốt nối liền các châu lục. Kể từ khi Israel bắt đầu không kích Iran vào ngày 13/6, các đường bay chính trong khu vực này đã bị cắt đứt.

Sân bay quốc tế Dubai

Theo truyền thông nhà nước, Bahrain và Kuwait đều đã mở lại không phận sau khi đóng cửa trong thời gian ngắn. Sân bay Dubai cũng đã hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng, nhưng cảnh báo về khả năng các chuyến bay bị hoãn hoặc hủy. Qatar cũng đã đóng cửa không phận.

Cuộc xung đột đã cắt đứt các đường bay chính đến những trung tâm hàng không vốn có sức chống chịu tốt như Dubai, nơi có sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, và thủ đô Doha của Qatar. Vùng trời thường bận rộn trải dài từ Iran, Iraq đến Địa Trung Hải giờ đây gần như không có bóng dáng máy bay thương mại, do các lệnh đóng cửa không phận và lo ngại về an toàn.

Hãng Air India ngày 23/6 cho biết đã dừng tất cả các hoạt động bay đến Trung Đông, cũng như các chuyến bay đến bờ Đông Bắc Mỹ và châu Âu, do các đường bay này phải đi qua một hành lang bay ngày càng bị thu hẹp giữa các điểm đến đó và Ấn Độ. Quyết định này bao gồm cả việc cho các máy bay đang trên hành trình quay trở lại điểm xuất phát để tránh không phận bị đóng cửa.

Theo công ty phân tích hàng không Cirium, hơn 20 chuyến bay đến Doha, chủ yếu của Qatar Airways, đã phải chuyển hướng vào ngày 23/6, và một số chuyến bay đến Dubai cũng phải chuyển hướng do không phận bị đóng cửa.

Nhiều hãng hàng không quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Kuwait Airways đã đình chỉ các chuyến bay khởi hành từ nước này vào ngày 23/6.

Etihad Airways của UAE cũng đang thay đổi đường bay trong ngày 23-24/6.
Iberia của Tây Ban Nha đã hủy kế hoạch nối lại các chuyến bay đến Doha vào ngày 24/6.

Finnair là hãng đầu tiên thông báo tạm dừng bay dài đến Doha, với các chuyến bay bị hủy cho đến ngày 30/6.

Singapore Airlines đã lên kế hoạch hủy các chuyến bay đến Dubai cho đến hết ngày 24/6.

Air France KLM, British Airways, Air Astana của Kazakhstan đều đã hủy các chuyến bay đến Doha hoặc Dubai trong cả ngày 22 và 23/6.

Air France cũng hủy các chuyến bay đến Riyadh và tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Beirut, Liban cho đến ngày 25/6.

American Airlines, United Airlines, và Air Canada đã tạm dừng các chuyến bay đến Qatar và Dubai từ trước đó và hiện vẫn chưa nối lại.

Trong bối cảnh không phận Nga và Ukraine cũng bị đóng đối với hầu hết các hãng hàng không do chiến sự kéo dài, Trung Đông đã trở thành một tuyến đường quan trọng hơn cho các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á.

Giữa các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích trong 10 ngày qua, các hãng hàng không đã phải bay vòng lên phía bắc qua biển Caspi hoặc xuống phía nam qua Ai Cập và Saudi Arabia.

Công ty tư vấn rủi ro hàng không Osprey Flight Solutions nhận định, các hãng vận tải có thể đang tránh bay đến Doha, Dubai và các sân bay khác trong khu vực do lo ngại rằng Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ có thể nhắm mục tiêu tấn công bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại các quốc gia này.

Sự gia tăng của các khu vực xung đột đang tạo ra gánh nặng vận hành ngày càng lớn cho các hãng hàng không, khi các cuộc tấn công trên không làm dấy lên lo ngại về việc máy bay thương mại có thể bị bắn hạ do vô tình hoặc cố ý.

Tình trạng nhiễu tín hiệu GPS xung quanh các điểm nóng chính trị cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng đối với hàng không thương mại. SkAI, một công ty Thụy Sỹ chuyên vận hành bản đồ theo dõi nhiễu loạn GPS, ngày 22/6 cho biết họ đã quan sát thấy hơn 150 máy bay bị ảnh hưởng bởi tín hiệu giả mạo trên Vịnh Ba Tư trong vòng 24 giờ.

Bình luận