Xung đột Israel - Iran tạm hạ nhiệt, nhưng vẫn âm ỉ nguy cơ tái bùng phát

VOH - Ngày 25/6, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Iran và Israel đã có hiệu lực sau 12 ngày xung đột khốc liệt, với sự tham chiến trực tiếp của Mỹ khi không kích các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, đánh giá ban đầu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho thấy chiến dịch này không phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Tehran như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Trump từng tuyên bố các cuộc không kích Mỹ với máy bay ném bom chiến lược B-2 và bom xuyên boongke nặng 13.600 kg đã “xoá sổ” chương trình hạt nhân Iran. Nhưng theo 3 nguồn tin thân cận với báo cáo tình báo của DIA, các kho dự trữ và làm giàu uranium vẫn còn, và các cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất của Iran chỉ bị phong toả lối vào, không bị phá huỷ hoàn toàn. Một số máy ly tâm vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy Nhà Trắng phủ nhận báo cáo và khẳng định đánh giá đó “sai hoàn toàn”, nhưng trong thông báo gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chính quyền Trump cũng đã giảm nhẹ tuyên bố ban đầu, nói rằng chiến dịch “làm suy yếu” chứ không “xoá sổ” chương trình hạt nhân của Iran.

20250625_iran
Ảnh vệ tinh Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Isfahan của Iran sau đợt không kích của Mỹ, ngày 24/6/2025 - Ảnh: REUTERS

Vẫn hiện hữu nguy cơ tái bùng phát xung đột

Sau khi ngừng bắn có hiệu lực, cả Iran và Israel đều cố gắng định hình cuộc chiến như một thắng lợi. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng mối đe doạ hạt nhân và tên lửa từ Iran “đã bị loại bỏ”. Trong khi đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố nước ông đã “chiến thắng vĩ đại” và sẵn sàng đối thoại với Mỹ.

Song đánh giá từ các chuyên gia cho thấy chương trình hạt nhân của Iran có thể chỉ bị trì hoãn vài tháng, chứ không bị phá huỷ. Iran vẫn tuyên bố hoạt động hạt nhân chỉ phục vụ mục đích dân sự, và cảnh báo sẽ “phản ứng toàn diện” nếu bị tấn công thêm.

Dù thỏa thuận ngừng bắn được thực hiện sau các cuộc trao đổi căng thẳng giữa ông Trump và lãnh đạo hai nước, sự thù địch sâu sắc giữa Iran và Israel khiến khả năng xung đột tái bùng phát rất cao.

Cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận chỉ vài giờ sau khi có hiệu lực. Ông Trump thể hiện sự tức giận rõ rệt, đặc biệt là với đồng minh thân cận Israel và yêu cầu Tel Aviv “bình tĩnh lại”.

Tướng Eyal Zamir của Israel cho biết quân đội sẽ chuyển trọng tâm sang chiến dịch chống Hamas ở Gaza, nhưng cũng nhấn mạnh “chiến dịch với Iran chưa kết thúc”. Israel ghi nhận 28 người chết - con số thương vong lớn nhất trong một đợt tấn công từ Iran.

Cở sở hạt nhân Fordow (1)
Ảnh vệ tinh cho thấy khu vực cơ sở hạt nhân Fordow của Iran trước và sau khi bị Mỹ ném bom

 

Về phía Iran, nước này tuyên bố đã gây tổn thất nặng nề cho Israel và Mỹ, với 610 người thiệt mạng và hơn 4.700 người bị thương do các cuộc không kích Israel.

Thỏa thuận ngừng bắn dù mong manh cũng đã ngay lập tức mang lại phản ứng tích cực cho thị trường toàn cầu. Giá dầu lao dốc mạnh, trong khi thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm nhờ kỳ vọng giảm thiểu gián đoạn nguồn cung dầu từ vùng Vịnh.

Bình luận