Ngày 26/6, báo USA Today đưa tin về một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến công dân Na Uy Mads Mikkelsen (21 tuổi), xảy ra tại một sân bay Mỹ hôm 11/6.
Theo lời Mikkelsen, anh bị các đặc vụ hải quan thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đe dọa sẽ phải nộp phạt 5.000 USD hoặc đối mặt án tù lên đến 5 năm nếu không cung cấp mật khẩu điện thoại.
Sau khi chấp thuận kiểm tra thiết bị, Mikkelsen cho biết các đặc vụ đã xem được ảnh một chiếc tẩu gỗ tự chế và một bức ảnh chế giễu Phó tổng thống Mỹ JD Vance, mô tả ông với cái đầu hói, gương mặt tròn và ánh mắt xa xăm.

Thông tin này nhanh chóng được truyền thông Na Uy và Anh đăng tải. Tuy nhiên, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã lập tức lên tiếng bác bỏ. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), cơ quan này khẳng định: "Mikkelsen không bị từ chối nhập cảnh vì ảnh chế hay lý do chính trị nào, mà do chính anh thừa nhận từng sử dụng ma túy."
Thứ trưởng DHS Tricia McLaughlin cũng gọi câu chuyện đang lan truyền là "sai sự thật", khẳng định việc từ chối nhập cảnh là đúng theo quy định hiện hành.
Về phần mình, Mikkelsen cho rằng cáo buộc sử dụng ma túy chỉ là cái cớ. Anh nói thêm rằng bản thân còn bị hỏi về chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan và thậm chí bị yêu cầu cung cấp mẫu máu. Dù có khác biệt về lý do, cả hai phía đều xác nhận có buổi làm việc với nhau tại sân bay.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt an ninh biên giới và tăng cường kiểm tra người nước ngoài nhập cảnh. Theo báo Independent, các đặc vụ DHS hiện được phép kiểm tra thiết bị điện tử, dữ liệu cá nhân và từ năm nay còn theo dõi cả tài khoản mạng xã hội của người xin visa, đặc biệt là du học sinh.
Thời gian gần đây, một số trường hợp tương tự cũng gây chú ý, như nhà nghiên cứu người Pháp bị từ chối nhập cảnh vì bình luận về chính sách Mỹ, hay một nhà văn Úc bị buộc quay về do phát ngôn về xung đột Israel - Hamas.
Theo báo USA Today, ngay cả công dân Mỹ cũng có thể bị kiểm tra khi quay về nước, tuy nhiên khác với du khách nước ngoài, họ không thể bị từ chối nhập cảnh mà chỉ có thể bị thẩm vấn hoặc tạm giữ. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) xác nhận quy định này.
CBP khẳng định, các cuộc kiểm tra được tiến hành nhằm ngăn chặn các hành vi liên quan đến khủng bố, lạm dụng trẻ em, buôn lậu ma túy, buôn người, vận chuyển tiền trái phép, vi phạm kiểm soát xuất khẩu và gian lận visa. Cơ quan này cho biết mỗi ngày có khoảng 1 triệu người nhập cảnh vào Mỹ và chưa đến 0,01% trong số đó bị kiểm tra thiết bị cá nhân.