Kéo theo loạt quốc gia đóng cửa không phận, khiến các trung tâm hàng không lớn như Dubai và Doha rơi vào tình trạng tê liệt cục bộ.
Căng thẳng leo thang đã cắt đứt các đường bay chủ chốt ở khu vực thường xuyên nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Các hãng như Air India, Singapore Airlines, British Airways, Air France, Iberia, Finnair, Etihad Airways, Qatar Airways, Kuwait Airways, United Airlines và American Airlines đều hủy hoặc thay đổi lịch trình bay trong các ngày 22–24/6.
Air India dừng toàn bộ hoạt động bay đến Trung Đông cũng như các chuyến sang châu Âu và bờ Đông Bắc Mỹ, do hành lang bay qua khu vực bị thu hẹp nghiêm trọng. Một số chuyến đang trên hành trình được lệnh quay đầu để tránh không phận nguy hiểm. Tương tự, Finnair hủy các chuyến bay đến Doha đến hết ngày 30/6.

Singapore Airlines hủy chuyến đến Dubai đến hết 24/6. Air France ngừng bay đến Riyadh, Beirut và Doha, trong khi Iberia hoãn kế hoạch nối lại đường bay đến Qatar. British Airways, Air Astana, United Airlines, Air Canada... cũng tạm dừng hoạt động đến khu vực này.
Theo dữ liệu từ công ty Cirium, chỉ riêng ngày 23/6, hơn 20 chuyến bay đến Doha – chủ yếu của Qatar Airways – buộc phải chuyển hướng. Một số chuyến đến Dubai cũng bị ảnh hưởng do không phận bị phong tỏa hoặc hạn chế tạm thời.
Tình trạng hỗn loạn diễn ra dù một số quốc gia như Bahrain và Kuwait đã mở lại không phận sau thời gian ngắn đóng cửa. Sân bay quốc tế Dubai – vốn là sân bay nhộn nhịp nhất thế giới – cũng nối lại hoạt động nhưng cảnh báo nguy cơ hoãn, hủy chuyến. Doha – thủ đô Qatar – vẫn đóng cửa không phận.
Trung Đông – vốn trở thành tuyến hàng không huyết mạch thay thế cho không phận Nga và Ukraine bị phong tỏa – giờ đây cũng chìm trong rủi ro. Vùng trời từ Iran, Iraq đến Địa Trung Hải gần như vắng bóng máy bay thương mại, khiến nhiều hãng buộc phải vòng lên phía Bắc qua biển Caspi hoặc xuống phía Nam qua Ai Cập và Saudi Arabia.
Công ty tư vấn Osprey Flight Solutions cảnh báo, các hãng hàng không tránh tiếp cận khu vực do lo ngại bị máy bay không người lái hoặc tên lửa tấn công, nhắm vào các căn cứ quân sự Mỹ tại đây. Những rủi ro này không chỉ dừng ở đe dọa an ninh mà còn khiến chi phí vận hành gia tăng do phải bay xa hơn, tốn nhiên liệu và thời gian.
Ngoài ra, sự cố nhiễu GPS cũng ngày càng trở thành mối đe dọa hiện hữu. Công ty SkAI (Thụy Sỹ) ghi nhận hơn 150 máy bay bị ảnh hưởng bởi tín hiệu định vị giả trên Vịnh Ba Tư chỉ trong 24 giờ ngày 22/6. Những tín hiệu giả này có thể khiến máy bay lệch hướng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay.
Toàn cảnh hiện nay cho thấy ngành hàng không toàn cầu đang đối mặt với thách thức lớn chưa từng có kể từ sau đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh xung đột lan rộng, Trung Đông – từ chỗ là điểm trung chuyển chiến lược – nay lại trở thành điểm nghẽn nguy hiểm cho các tuyến hàng không liên lục địa.