Tòa án Tối cao Mỹ, với đa số thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ, đã ủng hộ đề xuất của Tổng thống Donald Trump nhằm thu hẹp quyền của các thẩm phán liên bang, cụ thể là không cho phép họ dễ dàng ngăn chặn một chính sách liên bang trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Tòa chưa quyết định liệu sắc lệnh của ông Trump - trong đó quy định trẻ sinh ra tại Mỹ chỉ được công nhận là công dân nước này nếu có cha hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp - có vi phạm Hiến pháp hay không.
Phán quyết đã để ngỏ khả năng chính sách của ông Trump có thể có hiệu lực sau 30 ngày, trừ khi các tòa án cấp dưới tiếp tục ngăn chặn. Điều này khiến hàng ngàn gia đình lo sợ con mình có thể không được công nhận là công dân ở bất kỳ quốc gia nào.
Lorena, một phụ nữ quốc tịch Colombia đang xin tị nạn và sống tại thành phố Houston (bang Texas). Cô sẽ sinh con vào tháng 9 tới và cho biết “vẫn không hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra” và lo sợ đứa trẻ sinh ra “cuối cùng không mang quốc tịch nào”, theo Reuters.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có lệnh cấm thi hành trên toàn quốc, sắc lệnh của ông Trump có thể được thực hiện tại 28 bang không tham gia kiện tụng, khiến tình hình pháp lý sẽ trở nên rối rắm trên khắp nước Mỹ.
“Liệu các bác sĩ hay bệnh viện có phải xác minh quốc tịch của cha mẹ để quyết định quyền công dân của đứa trẻ?”, bà Kathleen Bush-Joseph từ Viện Chính sách Di cư đặt câu hỏi.
Sắc lệnh của ông Trump là một phần trong chiến dịch siết chặt chính sách nhập cư, trong đó ông khẳng định việc cấp quốc tịch theo diện sinh ra ở Mỹ là “thỏi nam châm” thu hút người nước ngoài tới Mỹ sinh con.
“Có hàng trăm ngàn người đang đổ vào nước Mỹ để sinh con và giành quyền công dân. Đất nước chúng ta không có nghĩa vụ cho điều đó”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 27/6.

Theo các nhà phân tích, nếu được thực thi, chính sách này có thể ảnh hưởng đến khoảng 150.000 trẻ sơ sinh mỗi năm. Những đứa bé này vốn được bảo đảm quyền công dân theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.
“Chính sách này tạo ra những tầng lớp công dân với quyền lợi khác nhau. Đó là một viễn cảnh hỗn loạn,” bà Juliana Macedo do Nascimento từ tổ chức United We Dream nhận định.
Betsy, một công dân Mỹ mới tốt nghiệp trung học ở Virginia, chia sẻ rằng cha mẹ cô là người El Salvador nhập cư trái phép từ 2 thập kỷ trước. “Tôi cảm thấy chính sách này nhắm vào những đứa trẻ vô tội - những sinh linh còn chưa ra đời,” cô nói.
Trong khi các bên tiếp tục kiện tụng, nhiều gia đình đang sống trong tình trạng lo âu và bất định, không biết con mình sinh ra sẽ mang tính chính danh hay không hay tình trạng pháp lý như thế nào tại nước Mỹ sau khi phán quyết chính thức có hiệu lực.