Chính phủ Nhật Bản đã phát đi cảnh báo say nắng tại 30 trên tổng số 47 tỉnh, thành – con số cao nhất trong năm 2024, sau khi nước này ghi nhận tháng 6 nóng nhất lịch sử.
Nhiệt độ cực đoan, vốn đã trở thành điều “bình thường mới” trong mùa hè tại Nhật Bản, đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động.
Từ tháng trước, chính phủ đã ban hành quy định an toàn lao động mới, yêu cầu doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống say nắng.
Theo đó, các công ty buộc phải đảm bảo người lao động mặc trang phục thông thoáng, lắp đặt mái che chắn ánh nắng trực tiếp và bố trí khu vực nghỉ ngơi có điều hòa hoặc bóng râm.
Tại một công trường xây dựng chung cư ở Tokyo - nơi nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C lần đầu tiên trong năm ghi nhận vào ngày 7/7 - các công nhân của công ty Daito Trust Construction đã được trang bị áo khoác làm mát chuyên dụng, có gắn quạt làm mát ở phía sau lưng.
Chiếc áo này được thiết kế riêng, sử dụng hiệu ứng nhiệt điện để tăng khả năng làm mát và đã được cấp phát cho 1.500 công nhân.
"Khi mặc chiếc áo này, tôi đỡ toát mồ hôi hơn, nên cũng đỡ mất sức hơn," anh Atsushi Mizutani, 47 tuổi, chia sẻ.


Công nhân xây dựng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất bị say nắng. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, riêng trong năm 2023, họ chiếm gần 20% tổng số ca tử vong hoặc bệnh liên quan đến say nắng trong môi trường làm việc. Tổng số ca say nắng nơi làm việc đã tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước.
“Trước đây, chúng tôi không có áo khoác làm mát hay thiết bị gì đặc biệt, nhưng cũng ít người bị say nắng đến mức gục ngã như bây giờ,” ông Takami Okamura, 57 tuổi, với 34 năm kinh nghiệm làm công nhân xây dựng, cho biết.
“Giờ đây, áo khoác điều hòa hay các thiết bị hỗ trợ khác đã trở thành vật bất ly thân - điều đó cho thấy mức độ khắc nghiệt của thời tiết ngày càng tăng”, ông Okamura nói thêm.