Quốc hội Mỹ chia rẽ sau lệnh không kích Iran

VOH - Lệnh tấn công của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào ba cơ sở hạt nhân chiến lược của Iran hôm 22/6 đang gây chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội Mỹ.

Đồng thời làm dấy lên tranh luận pháp lý về giới hạn quyền lực của tổng thống trong việc sử dụng vũ lực quân sự.

Phát biểu sau vụ không kích, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Roger Wicker – thành viên Đảng Cộng hòa – bày tỏ sự ủng hộ quyết định của ông Trump, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ đang bước vào một giai đoạn “lựa chọn khó khăn” tại Trung Đông. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng phản đối gay gắt.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine (Dân chủ) nhấn mạnh: “Người dân Mỹ không ủng hộ việc chúng ta phát động chiến tranh với Iran.” Ông cùng nhiều đồng cấp cho rằng Tổng thống Trump đang hành động vượt quá thẩm quyền khi không có sự phê chuẩn của Quốc hội – điều mà Hiến pháp Mỹ quy định rõ ràng trong trường hợp sử dụng vũ lực ở nước ngoài.

446174441_tong-thong-my-donald-trump-phat-bieu-tai-nha-trang-ngay-22-thang-6-sau-khi-my-tien-hanh-khong-kich-cac-co-so-hat-nhan-cua-iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters 

Hãng tin AP nhận định, sự chia rẽ này không chỉ đơn thuần về quan điểm chính trị, mà còn phản ánh cuộc tranh luận đã kéo dài nhiều năm về giới hạn quyền lực hành pháp trong việc phát động chiến tranh. Một số nhà lập pháp yêu cầu tổ chức phiên họp kín để làm rõ lý do và cơ sở pháp lý cho cuộc tấn công.

Bên cạnh vấn đề pháp lý, mối lo ngại lớn hơn là nguy cơ Iran sẽ đáp trả. Truyền thông Iran đã phát cảnh báo rằng mọi công dân và binh sĩ Mỹ tại Trung Đông giờ đây đều trở thành mục tiêu. Điều này khiến nhiều nhà lập pháp Mỹ lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc chiến toàn diện.

Theo tờ The Washington Post, căn cứ Không quân Al-Asad tại Iraq được xem là một trong những mục tiêu tiềm tàng. Đây là nơi từng bị Iran phóng tên lửa trả đũa vào năm 2020 sau vụ Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani. Al-Asad hiện là nơi đồn trú của hàng ngàn binh sĩ Mỹ và là điểm chiến lược quan trọng tại khu vực.

Ngoài ra, Căn cứ Hỗ trợ Hải quân Bahrain – nơi đặt trụ sở Hạm đội 5 Hải quân Mỹ với hơn 8.000 quân nhân – cũng nằm trong tầm ngắm của Iran. Căn cứ al-Udeid tại Qatar, được mệnh danh là “trái tim” của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đang tiếp nhận khoảng 10.000 binh sĩ, cũng là mục tiêu chiến lược dễ bị tổn thương. Nhiều cơ sở quân sự khác của Mỹ tại Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Aziz Nasirzadeh từng cảnh báo hôm 11/6 rằng toàn bộ căn cứ Mỹ tại Trung Đông đều “nằm trong tầm tấn công” và Tehran “sẵn sàng đáp trả ngay khi cần thiết”.

Trong bối cảnh Quốc hội Mỹ còn đang tranh cãi nội bộ, cộng đồng quốc tế lo ngại rằng bất kỳ động thái trả đũa nào của Iran cũng có thể đẩy khu vực Trung Đông đến bên bờ vực chiến tranh toàn diện, khiến tình hình an ninh toàn cầu thêm phần bất ổn.

Bình luận