Ông Macron và ông Putin nối lại liên lạc sau ba năm gián đoạn

Ngày 2/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hai giờ – đánh dấu lần liên lạc đầu tiên giữa hai ông kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Theo Điện Kremlin, cuộc trao đổi tập trung vào các vấn đề quốc tế cấp bách, đặc biệt là tình hình Trung Đông sau các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran và tuyên bố cắt đứt hợp tác của Tehran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hai ông nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc bảo vệ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và bày tỏ lo ngại trước quyết định mới của Iran.

Ông Macron tỏ ra lạc quan rằng Nga có thể đóng vai trò thuyết phục Iran quay lại bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh Pháp sẵn sàng thảo luận về quyền làm giàu uranium trong nước – nếu Iran cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân. Về phần mình, ông Putin tái khẳng định Iran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình nhưng cần duy trì hợp tác với IAEA theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

putin-macron-0307 2
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: TTXVN 

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau loạt giao tranh giữa Iran và Israel. Iran đã phóng khoảng 530 tên lửa vào lãnh thổ Israel, trong đó đa số bị hệ thống phòng không Israel – Mỹ đánh chặn. Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại khi nhiều loại tên lửa Iran đã vươn tới tầm xa có thể đe dọa lục địa già.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cảnh báo những hành động quân sự đơn phương chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng. Ông cho rằng cần nhanh chóng khôi phục Hội nghị đặc biệt của Liên hợp quốc để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước trong xung đột Israel – Palestine.

Dù đạt được một số đồng thuận về vấn đề Iran, hai ông Macron và Putin vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng liên quan đến Ukraine. Ông Macron tái khẳng định lập trường ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, đồng thời kêu gọi sớm đạt được một lệnh ngừng bắn. Ông cũng đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước và sau cuộc trao đổi với ông Putin nhằm đảm bảo thông tin được minh bạch.

Phía ông Putin tiếp tục giữ vững quan điểm rằng phương Tây và NATO là bên khơi mào xung đột, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần giải quyết các yêu cầu an ninh chiến lược của Nga tại Đông Âu.

Giới quan sát nhận định cuộc điện đàm là bước đi ngoại giao đáng chú ý, cho thấy ông Macron vẫn nỗ lực duy trì vai trò đối thoại với Nga trong khi ông Putin tìm cơ hội tái khẳng định vị thế trung gian tại Trung Đông. Dù chưa có đột phá lớn, đây được xem là tín hiệu tích cực giữa bối cảnh ngoại giao quốc tế còn nhiều chia rẽ.

 
Bình luận