Ông Hun Sen bác tin đồn tự bổ nhiệm, khẳng định sẵn sàng ra trận nếu cần

VOH - Ngày 26/6, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng ông tự xưng là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho chiến tranh với Thái Lan.

Phát biểu trước người dân di tản khỏi khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia tại tỉnh Preah Vihear, ông Hun Sen khẳng định sức khỏe bản thân hoàn toàn ổn định và sẵn sàng chỉ huy hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu nếu tình hình đòi hỏi.

“Tôi vẫn khỏe mạnh. Nếu cần, tôi có thể chỉ huy quân đội hoặc tham gia chiến đấu ngay lúc này,” ông Hun Sen nhấn mạnh. Ông cũng chia sẻ đã thực hiện khám sức khỏe tổng thể và mọi chỉ số đều tốt, chỉ riêng tim được kiểm tra kỹ hơn do anh trai ông từng qua đời vì nhồi máu cơ tim.

hunsen_voh
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. - Ảnh: Khmer Times

Phát biểu của ông Hun Sen được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông Thái Lan đưa tin ông tự phong tổng tư lệnh quân đội trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa hai nước gia tăng. Ông gọi đây là “tin giả” và khẳng định vai trò Chủ tịch Thượng viện hiện tại không cho phép ông trực tiếp chỉ huy quân đội, mà quyền này thuộc về thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và tổng tư lệnh lực lượng vũ trang.

“Tôi là người đứng thứ hai trong hệ thống lãnh đạo đất nước, sau quốc vương, với tư cách chủ tịch thượng viện. Vậy tôi có lý do gì để tự bổ nhiệm mình làm tổng tư lệnh? Tôi đã từ bỏ vị trí thủ tướng mà tôi giữ suốt 38 năm, không lẽ tôi lại cần một chức vụ nữa để làm gì?” ông Hun Sen đặt vấn đề.

Dù không trực tiếp nắm quyền chỉ huy quân sự, ông Hun Sen cho biết vẫn tiếp tục giám sát việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp trong quân đội. Ngày 26-6, ông cũng đã nhận lời đứng đầu bộ phận hậu cần của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) nhằm hỗ trợ công tác điều phối lực lượng, trong bối cảnh tình hình biên giới xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp.

Thái Lan siết kiểm soát viễn thông, truy quét tội phạm mạng

Căng thẳng khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia Thái Lan (NBTC) vừa yêu cầu tất cả nhà mạng trong nước ngừng cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng và di động cho Campuchia, đồng thời phải báo cáo định kỳ 15 ngày về hoạt động bán thẻ SIM.

Động thái này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Thái Lan trong việc ngăn chặn các tổ chức lừa đảo qua điện thoại và tội phạm mạng hoạt động dọc biên giới hai nước. Trước đó, Campuchia đã cắt đường truyền internet từ Thái Lan, nhưng nhiều nhà mạng tư nhân Thái Lan vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ.

Hiện có khoảng 14 công ty Thái Lan đang vận hành dịch vụ internet băng thông rộng tới Campuchia. Theo ông Thatchai Pitaneelaboot — tổng thanh tra Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, các biện pháp đóng cửa biên giới và siết kiểm soát viễn thông đã giúp giảm đáng kể số vụ phạm pháp mạng.

Cảnh sát Thái Lan cũng đang điều tra một số tổ chức và địa điểm bị nghi ngờ là đầu não của các nhóm lừa đảo, trong đó có hai tòa nhà cao tầng tại Poipet được cho là trụ sở chính. Chính phủ Thái Lan từng nhiều lần kêu gọi hợp tác từ phía Campuchia để xử lý vấn đề này nhưng kết quả thu được còn hạn chế.

Một trong những mục tiêu điều tra là tập đoàn tài chính Huione Group của Campuchia. Tháng 5 vừa qua, Mỹ thông báo sẽ loại tập đoàn này khỏi hệ thống tài chính Mỹ với cáo buộc rửa tiền. Theo truyền thông Thái Lan, cảnh sát mạng nước này phát hiện nhiều khoản tiền từ cờ bạc trực tuyến và các hoạt động lừa đảo đã được chuyển vào hệ thống của Huione Group.

Với các động thái kiểm soát chặt biên giới và tăng cường hợp tác quốc tế, giới chức Thái Lan hy vọng sẽ từng bước dẹp bỏ các đường dây tội phạm mạng đang hoành hành trong khu vực.

Bình luận