Cơ quan Quản lý khẩn cấp quốc gia Nigeria (NEMA) ngày 17/6 cho biết hơn 6.500 người đã phải rời bỏ nhà cửa sau vụ tấn công nghiêm trọng tại làng Yelewata, bang Benue, miền Trung Nigeria.
Theo thông tin từ phóng viên TTXVN tại châu Phi, vụ tấn công bắt đầu từ đêm 13/6 với quy mô lớn và có tổ chức, được cho là do các tay súng vũ trang chưa xác định danh tính thực hiện. Cư dân địa phương cho biết những kẻ tấn công đã bao vây làng, phóng hỏa nhà dân và tấn công bất cứ ai tìm cách bỏ chạy. Thi thể các nạn nhân vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm.
Thống kê ban đầu từ NEMA cho thấy, tổng cộng 6.527 người thuộc 1.069 hộ gia đình đã phải sơ tán khẩn cấp. Trong đó, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi – những đối tượng dễ tổn thương, hiện rất cần được hỗ trợ lương thực, nước uống và chăm sóc y tế khẩn cấp.

Ngay sau vụ tấn công, các tổ chức cứu trợ đã phối hợp lập trung tâm tiếp nhận người sơ tán tại thành phố Makurdi – thủ phủ của bang Benue. Cùng tham gia hoạt động hỗ trợ khẩn cấp có Hội Chữ thập Đỏ Nigeria, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá tình hình và tăng cường cung cấp viện trợ nếu cần thiết.
Tối 16/6, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu lên án mạnh mẽ hành động tàn ác này và chỉ đạo lực lượng an ninh khẩn trương điều tra, truy bắt và đưa các đối tượng liên quan ra xét xử. Ông nhấn mạnh: “Sự an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Những kẻ gây ra tội ác này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Theo một báo cáo gần đây của tổ chức nhân quyền, trong hai năm qua, bang Benue đã ghi nhận gần 6.900 người thiệt mạng do các vụ tấn công vũ trang. Riêng trong tháng 4, hơn 150 người đã thiệt mạng tại các bang Benue và Plateau, nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp đất đai, xung đột sắc tộc và các cuộc tấn công từ các nhóm vũ trang không xác định.
Giới phân tích cảnh báo, tình trạng bất ổn tại các bang miền Trung Nigeria đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và sự ổn định của quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Bạo lực khiến hàng chục nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa, mất kế sinh nhai, trong khi năng lực ứng phó của các cơ quan chức năng đang ngày càng bị quá tải.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Nigeria không chỉ về mặt nhân đạo mà cả trong việc xây dựng năng lực an ninh, đồng thời thúc đẩy đối thoại hòa giải giữa các cộng đồng tại vùng xung đột nhằm ngăn chặn làn sóng bạo lực tiếp theo.