Sự thay đổi quan điểm này đang làm dấy lên những lo ngại trong giới đầu tư trái phiếu, vốn từng gần như chắc chắn về khả năng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 9/2025.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường chỉ còn khoảng 70% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9, giảm đáng kể so với mức gần như chắc chắn vào cuối tháng 6. Động thái này khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025, công bố vào ngày 15/7, trở thành yếu tố then chốt định hình kỳ vọng thị trường.

Theo các nhà phân tích, nếu báo cáo CPI cho thấy áp lực lạm phát gia tăng, khả năng Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất sẽ càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt các mức thuế quan mới. Ngược lại, một báo cáo lạm phát ôn hòa có thể giúp củng cố kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bà Tracy Chen – Giám đốc đầu tư tại Brandywine Global Investment Management – nhận định: “Không có cơ sở hợp lý nào để Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9”, khi thị trường lao động vẫn vững và các tài sản rủi ro vẫn sôi động. Bà dự báo đường cong lợi suất sẽ tiếp tục tăng, do các trái phiếu dài hạn dễ bị tác động bởi lạm phát, chi tiêu công và thay đổi trong nhu cầu đầu tư từ nước ngoài.
Fed sẽ còn hai báo cáo CPI nữa trước khi ra quyết định vào tháng 9. Chủ tịch Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng Fed cần “thêm thời gian để đánh giá tác động của chính sách thuế quan”, cho thấy một lập trường thận trọng trong bối cảnh chịu áp lực ngày càng lớn từ Nhà Trắng.
Sự chia rẽ cũng ngày càng rõ trong nội bộ Fed về hướng chính sách, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ lùi thời hạn áp thuế trừng phạt mới đến ngày 1/8, khiến triển vọng kinh tế trở nên khó dự đoán hơn.
Theo báo cáo mới nhất từ The Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm còn 93 điểm trong tháng 6, giảm mạnh so với 98,4 điểm của tháng 5 – vốn chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn. Đây là mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 năm 2020, phản ánh tâm lý tiêu dùng đang suy yếu trước những bất ổn từ chính sách thương mại.
Chỉ số kỳ vọng – đo lường quan điểm về thu nhập, việc làm và kinh doanh trong ngắn hạn – cũng giảm xuống còn 69 điểm, thấp hơn ngưỡng 80 vốn thường được xem là tín hiệu cảnh báo suy thoái.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 5/2025 tại Mỹ giảm 0,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1, sau khi đã giảm 0,1% trong tháng 4. Theo Bộ Thương mại Mỹ, xu hướng này chủ yếu do làn sóng mua sớm tránh tăng giá do thuế quan trong tháng 3 đã hạ nhiệt.
Những số liệu trái chiều về tiêu dùng, việc làm và lạm phát đang khiến thị trường trái phiếu trở nên thận trọng hơn. Hiệu suất ấn tượng trong nửa đầu năm – cao nhất trong 5 năm qua – đang đối mặt với thách thức lớn nếu Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến.