Nghiên cứu này được Kommersant, một trong những tờ báo hàng đầu của Nga đưa tin đầu tiên.
Cuộc xung đột tại Ukraine kéo theo sự chuyển giao tài sản đáng kể khi nhiều công ty phương Tây rời khỏi thị trường Nga. Trong khi đó, tài sản của nhiều công ty bị tịch thu và tài sản của một số doanh nghiệp lớn của Nga cũng bị 'quốc hữu hóa' – theo Reuters.
Thống kê cho thấy, hơn một ngàn công ty - từ McDonald's đến Mercedes-Benz - đã rời khỏi Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Các công ty này đã bán, 'trao chìa khóa' cho những người quản lý hiện tại hoặc đơn giản là từ bỏ tài sản của họ tại Nga. Những công ty khác bị tịch thu tài sản hoặc buộc phải bán.

Để đáp trả những gì Nga gọi là hành động bất hợp pháp của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin đã ký các sắc lệnh trong 3 năm qua cho phép tịch thu tài sản của phương Tây, gây ảnh hưởng đến nhiều công ty, từ Uniper của Đức đến hãng bia Carlsberg của Đan Mạch.
Bên cạnh tài sản của phương Tây, các công ty trong nước lớn đã phải đổi chủ dựa trên nhiều cơ chế pháp lý khác nhau, bao gồm nhu cầu về nguồn lực chiến lược, khiếu nại tham nhũng, cáo buộc vi phạm tư nhân hóa hoặc quản lý kém.
Công ty luật NSP (Nektorov, Saveliev & Partners) tại Moscow cho biết, quy mô của "quốc hữu hóa" lên tới 3,9 tỷ rúp trong 3 năm.
Dù nền kinh tế Nga hoạt động tốt hơn mong đợi trong giai đoạn diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng theo số liệu của IMF, quy mô đô la danh nghĩa của nước này vào năm 2024 chỉ là 2,2 nghìn tỷ đô la, nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, Liên minh châu Âu hoặc Mỹ.
Các quan chức Nga cho biết, cuộc xung đột tại Ukraine - cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh - đã đòi hỏi những biện pháp đặc biệt để ngăn chặn những gì họ cho là nỗ lực rõ ràng của phương Tây nhằm nhấn chìm nền kinh tế Nga.
Tổng thống Putin cho biết, sự ra đi của các các công ty phương Tây đã cho phép các nhà sản xuất trong nước thay thế họ và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc doanh nghiệp trong nước phải phát triển. Ông đã kêu gọi một "mô hình phát triển mới" khác biệt với "toàn cầu hóa lỗi thời".