Nga tăng cường tấn công vào miền tây Ukraine, không còn vùng an toàn

Các cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga những ngày qua đã mở rộng sâu vào miền tây Ukraine, khu vực trước đây được coi là tương đối yên ổn.

Diễn biến này cho thấy Moscow đang áp dụng chiến lược mới nhằm bào mòn năng lực phòng không và khiến đối phương căng mình đối phó trên nhiều mặt trận.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chỉ trong đêm 12/7, Nga đã phóng 26 tên lửa hành trình và gần 600 UAV tấn công các tỉnh phía tây như Lviv, Lutsk và Chernivtsi. Dù phần lớn mục tiêu bị bắn hạ, Kiev xác nhận ít nhất hai người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương.

Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết, những hình ảnh được ghi lại tại hiện trường cho thấy các vụ nổ liên tiếp và những đám cháy lớn bùng lên ở Lviv, thành phố lớn cách xa tiền tuyến miền đông hơn 600km.

uav_voh
UAV Shahed của Nga bị bắn hạ ở Ukraine. - Ảnh: Cảnh sát quốc gia Ukraine

Nhà phân tích quân sự David Sharp nhận định, Nga chưa bao giờ gặp khó khăn kỹ thuật khi tấn công miền tây Ukraine. Vấn đề là họ từng ưu tiên các mục tiêu khác, còn nay đã chuyển hướng để mở rộng sức ép.

“Việc Moscow đẩy mạnh sử dụng UAV Shahed và UAV mồi nhử có chi phí thấp hơn tên lửa hành trình là điều dễ hiểu, khi năng lực sản xuất UAV của họ đã tăng lên đáng kể”, ông Sharp nói.

Theo chuyên gia quân sự Serhii Bratchuk từ quân đội Ukraine, mục tiêu của Nga không chỉ là gây thiệt hại trực tiếp mà còn làm suy yếu tâm lý và niềm tin của người dân. Bằng cách tấn công bất ngờ vào các khu vực từng được cho là an toàn, Nga muốn gieo rắc cảm giác bất an trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Ông Bratchuk cho rằng, việc dùng số lượng lớn UAV mồi nhử cùng UAV tấn công thực sự khiến hệ thống phòng không Ukraine bị quá tải. “Nếu trước đây các cuộc tấn công chủ yếu diễn ra ban đêm, giờ Nga đã tấn công vào cả ban ngày, vào các thị trấn lớn lẫn trung bình, khiến chúng tôi buộc phải căng sức đối phó”.

David Sharp đồng tình, nói rằng điều này buộc Ukraine phải phân tán nguồn lực phòng không, thay vì tập trung bảo vệ các khu vực trọng điểm ở tiền tuyến. Ông lưu ý thêm, viện trợ quân sự của phương Tây vẫn chủ yếu ở dạng tài chính, nên việc duy trì hệ thống phòng không rộng khắp tiêu tốn không ít nguồn lực.

“Nếu Ukraine không phải đánh chặn hàng trăm UAV ở Lutsk hay Lviv, số tiền đó có thể dành cho mua tên lửa HIMARS hay các khí tài tấn công khác”, ông Sharp nhận xét.

Cả ông Bratchuk và ông Sharp đều dự báo, Nga chưa có dấu hiệu giảm tần suất các cuộc tấn công bằng UAV Shahed. Tổng thống Zelensky mới đây cảnh báo, Moscow có thể phóng tới 1.000 UAV mỗi ngày nếu tiếp tục tăng nhịp sản xuất.

“Điều đáng lo là Nga dùng những UAV giá rẻ để kéo căng sức phòng thủ của Ukraine, vừa hao tổn đạn dược vừa làm mệt mỏi tinh thần dân chúng”, ông Sharp nói.

Trong khi đó, ông Bratchuk nhấn mạnh, Ukraine cần khẩn trương được viện trợ thêm hệ thống phòng không vác vai, súng máy hạng nặng và UAV đánh chặn. Ông cho rằng giải pháp lâu dài phải là đánh vào nguồn cung UAV của Nga và Iran.

Theo số liệu từ tổ chức Airwars có trụ sở ở London, tính từ tháng 9-2022 đến tháng 8/2023, Nga đã phóng gần 2.000 UAV Shahed vào Ukraine. Tuy nhiên, chỉ riêng tháng 6-2025, con số này đã vọt lên hơn 5.300 chiếc — mức cao kỷ lục kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

Động thái leo thang của Nga cho thấy cuộc chiến ngầm trên không giữa hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ukraine sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây để không chỉ giữ vững hậu phương mà còn duy trì khả năng phòng thủ ở tiền tuyến.

Bình luận