Bệnh lở mồm long móng là bệnh do virus gây ra, có khả năng lây lan rất nhanh ở các loài động vật móng guốc như trâu, bò, lợn và đôi khi ảnh hưởng tới các loài khác.
Trong vài tháng qua, các đợt bùng phát bệnh đã được ghi nhận tại 5 trong số 9 tỉnh của Nam Phi, trong đó tỉnh KwaZulu-Natal bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Công ty Karan Beef – một trong những nhà sản xuất và cung cấp thịt bò hàng đầu Nam Phi, đã báo cáo một ổ dịch tại cơ sở ở Heidelberg, cách thành phố Johannesburg khoảng 50 km về phía đông nam.
Việc áp dụng lệnh cách ly với trại chăn nuôi này, nơi giết mổ khoảng 2.000 con bò mỗi ngày, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt bò trong nước.

Một người đàn ông chăn gia súc ở Cato Ridge, Nam Phi, ngày 28/07/2019. - Ảnh: Reuters.
Chính phủ Nam Phi đã đặt mua hơn 900.000 liều vaccine phòng bệnh lở mồm long móng, trong đó lô đầu tiên dự kiến sẽ về nước vào tuần tới.
Bộ Nông nghiệp Nam Phi cho biết, các kế hoạch này không chỉ nhằm ứng phó với dịch bệnh hiện tại mà còn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài để quản lý các rủi ro trong tương lai.
Một số nhà nhà sản xuất thịt bò đang kêu gọi chính phủ ban bố tình trạng thảm họa quốc gia nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi khỏi thiệt hại tài chính nặng nề. Việc ban bố tình trạng thảm họa sẽ giúp chính phủ có thêm quyền hạn để can thiệp vào cuộc khủng hoảng.
Các đợt bùng phát dịch lở mồm long móng đã khiến thịt bò và các sản phẩm liên quan của Nam Phi bị cấm nhập khẩu tại nhiều thị trường như Trung Quốc, Namibia và Zimbabwe.
Ngành chăn nuôi gia súc của Nam Phi hiện cũng đang hồi phục sau đợt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất trong lịch sử, từng khiến 1/3 tổng đàn gà của quốc gia bị tiêu hủy trong năm 2023.
Ngày 05/06, chính phủ Nam Phi thông báo sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine hàng loạt đầu tiên cho gia cầm, nhằm ngăn chặn sự tái bùng phát của dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), một loại virus có khả năng lây lan nhanh và gây tỷ lệ tử vong cao.