Trong cuộc phỏng vấn ngày 8/5 trên Fox News, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố thẳng thắn rằng “một cuộc chiến tiềm tàng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ không phải việc của Mỹ”, dù khẳng định Washington mong muốn hạ nhiệt tình hình.
Ông nhấn mạnh Mỹ không thể kiểm soát hai quốc gia này và chỉ có thể khuyến khích đối thoại, thay vì can thiệp quân sự hay chính trị trực tiếp.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng máy bay không người lái tấn công, gây ra gần 50 người chết chỉ trong hai ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan cảnh báo khả năng trả đũa là “ngày càng chắc chắn”.
Mỹ vẫn duy trì hoạt động ngoại giao thông qua ngoại trưởng Marco Rubio, người đã gọi điện tới lãnh đạo cả hai nước. Tổng thống Donald Trump bày tỏ mong muốn các bên dừng leo thang căng thẳng.

Theo tạp chí Bne IntelliNews chuyên đưa tin về tin tức kinh tế và chính trị tại hơn 30 quốc gia Đông Âu và Âu-Á ngày 7/5, lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng, ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, Mỹ và Nga vẫn có khả năng đóng vai trò then chốt trong việc hạ nhiệt căng thẳng và định hình hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan, hai cường quốc hạt nhân láng giềng luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Hành động quân sự gần đây của Ấn Độ trong Chiến dịch Sindoor, nhắm vào các mục tiêu bên trong Kashmir do Pakistan kiểm soát và lãnh thổ Pakistan, đã khơi lại vòng xoáy căng thẳng quen thuộc giữa hai quốc gia.
Trong khi thế giới lo ngại về nguy cơ leo thang, vai trò tiềm tàng của ngoại giao hòa giải, với sự tham gia của các cường quốc bên ngoài, có thể là chìa khóa để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện.