Chỉ còn ít ngày trước thời hạn 9/7 – thời điểm kết thúc lệnh tạm hoãn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bầu không khí tại Washington vẫn chưa rõ ràng khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và nhiều quốc gia chưa đạt được kết quả cuối cùng.
Tháng 4/2025, Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng mức thuế đối ứng mới lên hàng hóa từ hàng chục đối tác thương mại nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại và bảo hộ sản xuất nội địa. Tuy nhiên, để tạo không gian cho đàm phán, ông đã tạm hoãn việc thực thi thuế trong 90 ngày, với mục tiêu đạt được “90 thỏa thuận trong 90 ngày”.
Dù vậy, nhiều thỏa thuận đến nay vẫn chưa hoàn tất. Theo Bloomberg, các cố vấn thương mại của ông Trump thừa nhận rằng phần lớn các cuộc đàm phán chỉ giải quyết được một phần nhỏ nội dung, chưa xử lý được các vấn đề cốt lõi.

Hai thỏa thuận nổi bật nhất đến nay là với Trung Quốc và Anh, tuy nhiên chúng đều mang tính tạm thời và chưa rõ liệu có được duy trì sau thời hạn ngày 9/7 hay không. Chính quyền Mỹ cũng đưa ra tín hiệu không đồng nhất về việc gia hạn hay chấm dứt hoàn toàn giai đoạn hoãn thuế.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết khoảng 20 quốc gia không đạt được thỏa thuận trước 9/7 vẫn có thể tiếp tục đàm phán, nhưng sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, nếu thể hiện thiện chí thương lượng, họ có thể giữ được mức thuế 10% hiện tại thay vì bị nâng lên 25%.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 27/6 tuyên bố: “Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Tôi sẽ gửi thư đến mọi người: Chúc mừng, các vị sẽ phải trả 25%”.
Ngày 29/6, ông xác nhận không có ý định gia hạn thêm sau thời hạn 90 ngày. Điều này khiến thị trường tài chính bất ổn và giới đầu tư lo ngại, khi chưa rõ quốc gia nào sẽ bị áp thuế nặng.
Một số đối tác lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận và còn do dự do lo ngại ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như chip, dược phẩm, và máy bay thương mại. Mỹ hiện vẫn đang điều tra một số lĩnh vực, kết quả dự kiến công bố trong vài tuần tới có thể dẫn đến thêm các biện pháp thuế mới.
Không chỉ dừng lại ở các cuộc đàm phán, bản thân mức thuế của Tổng thống Trump đang phải đối mặt với thách thức pháp lý. Căn cứ mà ông viện dẫn là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) năm 1977, vốn không được thiết kế cho việc áp thuế. Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ hồi tháng 5 đã tuyên bố phần lớn mức thuế này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, một tòa phúc thẩm đã cho phép duy trì thuế quan cho đến khi phiên xử chính thức diễn ra vào cuối tháng 7.
Giới phân tích cho rằng chiến lược "tăng rồi giảm" thuế của ông Trump nhằm tạo sức ép, buộc đối tác nhượng bộ, kể cả ở mức tối thiểu, để đổi lấy việc trì hoãn thuế. Cách tiếp cận này được nhà đầu tư gọi bằng từ viết tắt “TACO” – “Trump Always Chickens Out” (Trump luôn thoái lui). Hiện tượng này đã từng khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc khi tuyên bố tăng thuế được công bố, rồi phục hồi khi Trump hoãn hoặc hủy bỏ các biện pháp đó.
Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng về thời hạn và nội dung các thỏa thuận khiến các đối tác đàm phán không khỏi dè dặt. Và trong bối cảnh này, tương lai chính sách thương mại của Mỹ vẫn còn nhiều biến số.