Lũ quét cuốn trôi cầu Hữu Nghị giữa Trung Quốc và Nepal, hàng chục người mất tích

Ngày 8/7, hơn 20 người đang mất tích sau khi trận lũ quét do mưa lớn ở khu vực Tây Tạng (Trung Quốc), cuốn trôi cầu Hữu Nghị - tuyến giao thông huyết mạch nối liền Trung Quốc và Nepal.

Theo các chuyên gia khí tượng, lũ có thể bắt nguồn từ việc một hồ băng ở Tây Tạng bị vỡ, bởi trong 24 giờ trước đó không ghi nhận mưa lớn tại khu vực thượng nguồn sông Bhotekoshi - nơi xảy ra lũ quét.

Tân Hoa Xã cho biết ít nhất 11 người mất tích ở phía Trung Quốc. Còn theo số liệu của Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Nepal (NDRRMA), 18 người đang được báo cáo mất tích, trong đó có 6 công nhân Trung Quốc và 3 sĩ quan cảnh sát Nepal.

Ngoài thiệt hại về người, lũ lụt còn gây hư hại nghiêm trọng, trong đó có 8 ô tô điện bị cuốn trôi, một nhà máy thủy điện nhỏ bị phá hủy và nhiều container chứa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị nước lũ cuốn đi. Hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước hiện đã bị gián đoạn.

EU5K4LKYMRLUTKAJINGIB5TH34
Binh sĩ Nepal đu dây giải cứu người mắc kẹt trong lũ quét ở sông Bhotekoshi, ngày 8/7/2025 - Ảnh: REUTERS

Ông Arjun Paudel - quan chức cấp cao huyện Rasuwa (Nepal) - cho biết các công nhân Trung Quốc mất tích đang làm việc tại một cảng cạn được xây dựng với sự hỗ trợ từ Bắc Kinh, cách thủ đô Kathmandu khoảng 80km về phía bắc.

“Con sông đã cuốn theo một số container chứa hàng nhập từ Trung Quốc... Tổn thất tài sản rất lớn, chúng tôi đang tổng hợp thêm thông tin chi tiết”, ông Paudel nói.

Lực lượng quân đội Nepal đã cứu được 11 người và vẫn đang tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn, theo người phát ngôn Raja Ram Basnet.

Cơ quan khí tượng Nepal cho biết đang phối hợp với Sentinel Asia, tổ chức quốc tế ứng dụng công nghệ vệ tinh hỗ trợ quản lý thiên tai tại châu Á - Thái Bình Dương, để xác định nguyên nhân cụ thể và mức độ ảnh hưởng của trận lũ.

“Chúng tôi đã gửi yêu cầu khẩn cấp thu thập dữ liệu vệ tinh từ Sentinel Asia để làm rõ nguyên nhân và đánh giá thiệt hại”, trích thông báo của Cơ quan khí tượng Nepal.

Bình luận