Trong khi đó, khả năng Mỹ trực tiếp tham chiến vẫn đang là dấu hỏi lớn, dù các đồn đoán đang ngày càng gia tăng.
Theo thông báo từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), có khoảng 60 máy bay chiến đấu tham gia đợt oanh tạc mới nhất, nhằm vào ít nhất 20 mục tiêu quan trọng tại Iran. Các cơ sở bị tấn công bao gồm nhà máy sản xuất máy ly tâm phục vụ làm giàu urani, xưởng chế tạo tên lửa chống tăng, cơ sở sản xuất vũ khí, và đặc biệt là các địa điểm có liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Tờ The Times of Israel cũng xác nhận, các cơ sở bị không kích nằm chủ yếu quanh khu vực thủ đô Tehran – bao gồm cả những địa điểm được cho là có chức năng chế tạo vũ khí chiến lược và phục vụ nghiên cứu hạt nhân. Một số nguồn tin quốc tế tại Iran cho biết các vụ nổ lớn đã xảy ra ở gần trụ sở cảnh sát quốc gia Iran, gây thương vong cho lực lượng an ninh địa phương.

Truyền hình Nhà nước Iran cáo buộc Israel không chỉ tấn công bằng vũ khí thông thường mà còn tiến hành chiến dịch tấn công mạng, chiếm sóng một số đài truyền hình để phát tán thông điệp kích động nổi dậy trong dân chúng.
Phản ứng trước các cuộc tấn công, Iran tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo hai tầng loại Sejjil nhằm vào Israel. Đây là loại tên lửa siêu nặng, có trần bay cao và tầm bắn xa, được Iran phát triển nhằm nâng cao khả năng răn đe chiến lược. Tuy nhiên, theo tuyên bố của IDF, quả tên lửa đã bị đánh chặn và không gây ra thiệt hại nào đáng kể.
Về phía Israel, giới chức nước này tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn, khẳng định sẽ không dừng lại cho đến khi Iran từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Đồng thời, một số quan chức Israel cho rằng khả năng Mỹ tham chiến chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hai quan chức giấu tên trả lời Kênh 12 của Israel tiết lộ: “Mỹ đang theo dõi rất sát tình hình. Nếu Iran đáp trả mạnh hơn hoặc mở rộng chiến dịch trả đũa sang các căn cứ đồng minh, Washington buộc phải vào cuộc.”
Tuy nhiên, đến nay, phía Mỹ vẫn chưa phát đi bất kỳ thông điệp chính thức nào về việc tham chiến. Giới phân tích nhận định, việc Mỹ giữ khoảng cách có thể là nhằm tránh kích hoạt một cuộc chiến toàn diện trong khu vực, đồng thời để lại khoảng trống cho các nỗ lực ngoại giao nếu căng thẳng chưa vượt qua điểm không thể kiểm soát.
Trong bối cảnh Israel tiếp tục đẩy mạnh các đòn tấn công còn Iran cũng không có dấu hiệu nhượng bộ, cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại xung đột sẽ vượt khỏi phạm vi khu vực và ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, đặc biệt là thị trường năng lượng.