Ngày 10/7, truyền thông nhà nước Iran đưa tin Tổng thống nước này, ông Masoud Pezeshkian, phát biểu khẳng định việc nối lại hợp tác với IAEA sẽ chỉ diễn ra nếu cơ quan này “chấm dứt các tiêu chuẩn kép” trong cách xử lý hồ sơ hạt nhân của Iran.
Tuần trước, ông Pezeshkian đã ký ban hành một đạo luật đình chỉ hợp tác với IAEA. Ngay sau đó, IAEA cho biết đã rút toàn bộ thanh sát viên còn lại khỏi Iran.
Căng thẳng giữa Iran và IAEA leo thang sau khi Mỹ và Israel tiến hành không kích các cơ sở hạt nhân của Iran vào tháng 6, với lý do ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Iran nhiều lần phủ nhận cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố: “Việc Iran tiếp tục hợp tác với IAEA phụ thuộc vào việc tổ chức này có sửa đổi cách tiếp cận thiếu công bằng trong xử lý hồ sơ hạt nhân hay không.”
Ông Pezeshkian cũng cảnh báo: “Bất kỳ hành động gây hấn nào tái diễn nhằm vào Iran sẽ phải hứng chịu một phản ứng kiên quyết và đáng tiếc hơn.”

Tehran cáo buộc IAEA không lên án các cuộc không kích do Mỹ và Israel thực hiện, đồng thời cho rằng chính nghị quyết của IAEA khi tuyên bố Iran vi phạm nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân đã “mở đường” cho các đòn tấn công này.
“Việc không giữ nguyên tắc trung lập trong báo cáo là ví dụ điển hình khiến vị thế và uy tín của IAEA bị đặt dấu hỏi,” ông Pezeshkian nói thêm.
Các cuộc không kích vào cơ sở hạt nhân Iran do Mỹ và Israel tiến hành đã châm ngòi cho một cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, làm dấy lên lo ngại xung đột lan rộng toàn khu vực.
Phía Iran cũng phóng hàng loạt máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel để đáp trả.
Từ sau chiến dịch này, IAEA không thể tiếp cận để tiến hành thanh tra các cơ sở hạt nhân của Iran, dù Tổng Giám đốc Rafael Grossi nhiều lần tuyên bố đây là “ưu tiên hàng đầu” của tổ chức.