Phát biểu với báo giới sau cuộc họp Nội các tại Tehran, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami khẳng định: “Kẻ thù không thể phá hủy ngành công nghiệp hạt nhân của Iran bằng bom đạn”.
Ông gọi các đòn tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, phản ánh thực tế "luật rừng đang thắng thế" trên trường quốc tế. Theo ông Eslami, Iran đã hoàn toàn nhận thức rõ điều này và sẽ không khuất phục nếu không có sức mạnh răn đe.
Tuyên bố cứng rắn được đưa ra sau chuỗi diễn biến căng thẳng trong tháng 6, khi Israel mở chiến dịch không kích quy mô lớn vào các mục tiêu hạt nhân Iran vào ngày 13/6. Chỉ 10 ngày sau, không quân Mỹ sử dụng máy bay B-2 và tên lửa hành trình tấn công các cơ sở trọng yếu gồm Natanz, Fordow và Isfahan.

Sau khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện vào ngày 24/6, Mỹ và Israel vẫn tiếp tục đe dọa sẽ khôi phục tấn công nếu Iran tái khởi động chương trình làm giàu urani.
Tuy nhiên, Iran khẳng định sẽ không lùi bước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh CBS phát sóng hôm 2/7, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh: “Người Iran không dễ dàng từ bỏ quyền làm giàu urani”. Ông cũng cảnh báo Tehran sẵn sàng đương đầu nếu bị tấn công, như đã từng thể hiện sức mạnh trong cuộc chiến 12 ngày đêm hồi tháng 6.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã ký ban hành luật đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Văn bản này chính thức ngừng mọi hoạt động phối hợp giữa Iran và IAEA, sau khi Tehran lên án tổ chức này “bóp méo sự thật và tiếp tay cho hành vi gây hấn”.
Chính quyền Iran cho rằng các báo cáo gần đây của IAEA là thiên lệch và bị thao túng bởi áp lực chính trị, tạo điều kiện để Israel và Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này.
Việc Iran tái khởi động chương trình làm giàu urani trong bối cảnh căng thẳng leo thang đang đặt khu vực Trung Đông trước nguy cơ xung đột mới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có nỗ lực trung gian đáng kể từ các bên thứ ba như Nga, Trung Quốc hoặc Liên Hợp Quốc, vòng xoáy đối đầu giữa Iran và liên minh Mỹ-Israel có thể bùng phát trở lại trong thời gian tới.
Iran từng ký kết thỏa thuận hạt nhân JCPOA với nhóm P5+1 vào năm 2015, nhưng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018, Tehran từng bước khôi phục các hoạt động hạt nhân bị giới hạn trước đó, bao gồm việc làm giàu urani ở mức cao hơn 60% – tiệm cận ngưỡng sử dụng cho mục đích quân sự.
Tuyên bố mới nhất từ Tehran là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Iran đã lựa chọn con đường đối đầu toàn diện, bất chấp các rủi ro leo thang xung đột khu vực.