Ngày 24/6, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài 12 ngày với Israel, khẳng định lệnh ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đã bắt đầu có hiệu lực.
Trong thông điệp gửi đến toàn quốc, ông Pezeshkian mô tả đây là "một cuộc kháng cự vĩ đại" của người dân Iran và tuyên bố nước này sẽ tuân thủ ngừng bắn nếu Israel cũng hành xử tương tự. “Nếu Israel không vi phạm lệnh ngừng bắn, thì Iran cũng sẽ không vi phạm,” ông nói.
Tổng thống Iran khẳng định Tehran không theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng vẫn sẽ bảo vệ “quyền hợp pháp” trong chương trình hạt nhân của mình. Ông nhấn mạnh Iran sẵn sàng giải quyết vấn đề qua đối thoại nhưng sẽ không chấp nhận “những tham vọng phi lý áp đặt bằng vũ lực”.

Pezeshkian cho rằng Iran bị buộc phải chiến đấu để tự vệ và bày tỏ hy vọng "chúng tôi sẽ không bao giờ phải chiến đấu một lần nữa".
Ở phía đối diện, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch quân sự 12 ngày mang tên Sư Tử Trỗi Dậy - là “chiến thắng mang tính lịch sử” giúp Israel loại bỏ hai mối đe dọa lớn nhất: chương trình vũ khí hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo 20.000 quả mà Iran đang phát triển.
Netanyahu ca ngợi vai trò “chưa từng có” của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc hỗ trợ Israel và trực tiếp tham gia phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran. Ông cho biết Mỹ và Israel đã phối hợp tấn công và "xóa sổ" cơ sở làm giàu uranium Fordow - trung tâm then chốt trong chương trình hạt nhân Iran cùng phần lớn kho và hệ thống phóng tên lửa.
“Chúng tôi sẽ không để Iran phục hồi lại những mối đe dọa này. Nếu họ cố thử, chúng tôi sẽ chặn đứng ngay lập tức,” ông Netanyahu tuyên bố.
Thỏa thuận ngừng bắn được Tổng thống Trump công bố ngày 23/6, chỉ hai ngày sau khi Mỹ không kích các mục tiêu hạt nhân của Iran. Tehran và Tel Aviv đều tuyên bố chấp thuận thỏa thuận, song đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nếu đối phương phá vỡ cam kết.
Dù tuyên bố ngừng bắn đã có hiệu lực, giới quan sát cho rằng tình hình vẫn cực kỳ mong manh. Mối bất tín sâu sắc giữa hai bên, cùng sự can dự trực tiếp của Mỹ khiến nguy cơ xung đột bùng phát trở lại chỉ còn là vấn đề thời điểm nếu có một va chạm nhỏ.