Iran giơ cao đánh khẽ, Mỹ-Israel xuống thang: Đòn đáp trả “có tính toán”

VOH - Sau khi Mỹ không kích ba cơ sở hạt nhân của Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 23/6 tuyên bố đáp trả bằng “cuộc tấn công hủy diệt” nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Trung Đông.

Thay vì một đòn trừng phạt mạnh tay như lo ngại, Iran lại lựa chọn cách phản ứng được cho là có tính toán, giữ thể diện nhưng tránh leo thang.

Theo Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, nước này đã phóng 14 tên lửa đạn đạo bằng đúng số lượng bom Mỹ đã thả xuống các cơ sở hạt nhân Iran vào căn cứ Al Udeid. Đây được xem là lựa chọn có tính biểu tượng, phát đi tín hiệu Iran chỉ đáp trả ở mức “tương xứng”.

Al Udeid là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại khu vực, đặt Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) và từng là nơi xuất phát UAV sát hại tướng Qasem Soleimani năm 2020.

Theo hình ảnh vệ tinh và giới chức Mỹ, quân đội Mỹ đã sơ tán khỏi căn cứ này từ vài ngày trước. Iran cũng được cho đã báo trước cuộc tấn công, giúp phía Mỹ và Qatar kịp thời đánh chặn tên lửa, không gây thương vong.

qatar-1750723648149877211050
Nhiều đốm sáng lóe lên trên bầu trời thủ đô Doha của Qatar đêm 23/6 - Ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận trên mạng xã hội Truth Social rằng Iran đã thông báo trước, cho phép tránh tổn thất. Bộ Quốc phòng Qatar cũng thông báo không có thiệt hại và hệ thống phòng không đã ngăn chặn thành công cuộc tấn công.

Theo chuyên gia Nick Paton Walsh của CNN, đây là ví dụ điển hình của chiến lược "leo thang có kiểm soát" mà Iran từng sử dụng. Đòn tấn công có sức nặng về hình ảnh nhưng được thực hiện một cách chừng mực nhắm vào mục tiêu “trống” và mang thông điệp ngoại giao rõ ràng: Iran sẵn sàng xuống thang nếu được đáp lại tương tự.

Thực tế, sau sự kiện này vài giờ, ông Trump thông báo Israel và Iran đã đạt thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt 12 ngày xung đột khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm đã xuất hiện: Đại sứ quán Mỹ tại Qatar kêu gọi công dân “trú ẩn tại chỗ”; Qatar đóng không phận tạm thời; căn cứ Al Udeid được sơ tán. Những động thái cho thấy cả ba bên đều không mong muốn biến cuộc tập kích thành khởi đầu cho một cuộc chiến khu vực mới.

Chuyên gia Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo Mỹ, đánh giá hành động của Iran là “vừa thể hiện sức mạnh với công chúng trong nước, vừa gửi đi tín hiệu mong muốn ngoại giao”.

Kể từ sau vụ tướng Soleimani, Iran nhiều lần áp dụng mô hình đáp trả “báo trước - tránh thương vong”, như vụ tấn công căn cứ Al Asad (2020) hay đòn tên lửa sau cái chết của lãnh đạo Hamas tại Tehran năm 2024. Các tên lửa thường rơi vào khu vực hoang mạc giúp Mỹ và Israel dễ phòng ngự nhưng Iran vẫn đạt được mục tiêu chính trị nội bộ.

Theo giới chuyên gia, hành động của Tehran lần này phản ánh thực tế khó khăn trong nước: kinh tế khủng hoảng, các lực lượng ủy nhiệm đang suy yếu và Iran không sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện với Mỹ.

Bình luận