Hai trong số những người được trao trả đã lưu lại Hàn Quốc suốt 4 tháng sau khi vào lãnh hải nước này vào tháng 3 năm nay. Bốn người còn lại là ngư dân bị trôi qua ranh giới biển hồi tháng 5.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết cả 6 người đều bày tỏ mong muốn được hồi hương.
Hàn Quốc đã 2 lần thông báo kế hoạch trao trả thông qua Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc nhưng không nhận được phản hồi. Tuy nhiên, việc tàu tuần tra và tàu cá Triều Tiên có mặt tại điểm bàn giao cho thấy có thể hai bên đã âm thầm đạt được thỏa thuận.
Theo các chuyên gia, những người trở về sẽ bị điều tra kỹ lưỡng bởi giới chức Triều Tiên.
Ông Nam Sung-wook, cựu viện trưởng Viện Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, nhận định: “Những người này sẽ bị thẩm vấn nghiêm ngặt về việc có tiếp xúc với gián điệp hay thu thập thông tin nhạy cảm nào không.”

Chính quyền mới của ông Lee Jae-myung được cho là sẽ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, siết chặt các hoạt động chống Triều Tiên. Quốc hội Hàn Quốc hiện đang xem xét dự luật cấm thả bóng bay mang tài liệu tuyên truyền qua biên giới.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 6, Tổng thống Lee Jae-myung đã chỉ đạo quân đội ngừng phát loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng ở khu vực biên giới - một động thái nhằm “khôi phục lòng tin và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Song dù chính quyền Seoul phát tín hiệu muốn khởi động lại đối thoại, nhiều nhà phân tích nhận định rằng khả năng cải thiện quan hệ giữa hai miền vẫn thấp.
Giáo sư Celeste Arrington, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học George Washington, cho rằng triển vọng cải thiện quan hệ liên Triều vẫn xa vời, khi Triều Tiên ngày càng xích lại gần Nga và không còn mặn mà với đối thoại với miền Nam.