Dự luật khẳng định quan điểm chiến lược của Mỹ trong việc duy trì hiện diện quân sự và củng cố các mối quan hệ đồng minh, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, NDAA tài khóa 2026 tiếp tục tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ với các quốc gia đồng minh, trong đó nổi bật là Hàn Quốc. Một điều khoản quan trọng trong dự luật nhấn mạnh rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ đồng minh, đối tác an ninh tại khu vực này, đặc biệt là thông qua việc duy trì sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và nâng cao hợp tác phòng thủ chung.

Dự luật cũng cam kết cung cấp năng lực răn đe mở rộng cho Seoul, bao gồm tất cả các nguồn lực phòng thủ sẵn có của Washington. Đây là thông điệp được lặp lại từ NDAA tài khóa 2025 – văn kiện đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12 năm ngoái, thể hiện sự nhất quán trong chính sách quân sự của Mỹ với bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, ngày 9/7, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo NDAA 2026, bổ sung điều khoản cấm cắt giảm lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc cũng như cấm chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc, trừ khi Bộ trưởng Quốc phòng có thể bảo đảm với Quốc hội rằng hành động đó không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Một nội dung đáng chú ý khác trong NDAA năm nay là quy mô ngân sách quốc phòng được đề xuất. Cụ thể, Ủy ban Quân lực Thượng viện đã "bật đèn xanh" cho khoản chi tiêu lên tới 913,9 tỷ USD cho tài khóa 2026 – cao hơn 32,1 tỷ USD so với đề xuất ban đầu của Lầu Năm Góc.
Khoản chi bổ sung này sẽ được dùng để đầu tư vào một loạt chương trình hiện đại hóa quân sự như chế tạo thêm máy bay chiến đấu F-35, đóng tàu chiến mới và mở rộng sản xuất đạn dược – những hạng mục được đánh giá là thiết yếu để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Theo quy trình lập pháp tại Mỹ, NDAA được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua độc lập, sau đó sẽ được thống nhất thành một bản dự thảo chung và trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 12 hàng năm. Văn kiện chỉ chính thức có hiệu lực khi được Tổng thống Mỹ ký ban hành.
Với việc Hạ viện đã thông qua, NDAA tài khóa 2026 đang tiến gần đến giai đoạn hoàn tất, tiếp tục là nền tảng pháp lý chi phối các chính sách quốc phòng và ngân sách quân sự của Mỹ trong năm tài chính tới. Dự luật không chỉ thể hiện định hướng chiến lược của Mỹ tại các điểm nóng toàn cầu mà còn là công cụ quan trọng để Quốc hội giám sát và định hình chính sách quân sự của chính quyền.