Chiến dịch "Orange Shield" (Lá chắn Cam - màu sắc nổi tiếng gắn liền với đất nước Hà Lan) huy động hơn 10.000 quân nhân và cảnh sát, cùng các đơn vị đặc nhiệm, đội rà phá bom mìn, hệ thống phòng không, trực thăng vũ trang và tàu tuần tra biển - theo Reuters đưa tin.
Hải quân Hà Lan cũng sẽ triển khai 7 tàu khu trục quanh khu vực tổ chức hội nghị và là một phần trong kế hoạch giám sát chặt chẽ trên bộ, trên biển và trên không. Toàn bộ khu vực Trung tâm Hội nghị Thế giới ở The Hague sẽ được phong tỏa hoàn toàn
Khoảng 6.000 đại biểu, bao gồm các nguyên thủ và lãnh đạo từ 32 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần này của khối, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer.


Theo ông Pieter-Jaap Aalbersberg, người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Hà Lan, các nguy cơ an ninh mạng cũng đang được theo dõi sát sao trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Các nhà lãnh đạo sẽ đến sân bay Schiphol vào ngày 23/6 và được hộ tống qua hành lang cao tốc đặc biệt đến địa điểm tổ chức.
Quốc vương Hà Lan Willem-Alexander sẽ chủ trì quốc yến chào mừng vào tối 24/6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng được mời nhưng chưa xác nhận tham dự.
Hội nghị thượng đỉnh chính thức khai mạc vào ngày 25/6, với một trong những mục tiêu trọng tâm là đạt đồng thuận về mức chi tiêu quốc phòng 5% GDP, theo đề xuất mạnh mẽ từ Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hiện vẫn phản đối mức trần mới này.
Các cuộc biểu tình được dự báo cũng sẽ diễn ra trong thời gian diễn ra sự kiện, bao gồm hành động chặn đường cao tốc do phong trào Extinction Rebellion tổ chức, và các cuộc tuần hành phản đối chiến tranh tại Gaza cũng như các hành vi thù ghét cộng đồng LGBTI+. Cảnh sát Hà Lan khẳng định sẽ đảm bảo quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật.