Giá dầu leo thang, nhà đầu tư lo ngại Mỹ can dự sâu vào xung đột Trung Đông

VOH - Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục gia tăng, giới đầu tư đang đánh giá hàng loạt kịch bản có thể xảy ra nếu Mỹ quyết định can dự sâu hơn vào cuộc xung đột.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục gia tăng, giới đầu tư đang đánh giá hàng loạt kịch bản có thể xảy ra nếu Mỹ quyết định can dự sâu hơn vào cuộc xung đột. Một trong những nguy cơ lớn nhất là giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, gây tác động dây chuyền đến lạm phát, tiêu dùng và chính sách tiền tệ.

Mối lo ngại đặc biệt tập trung vào khả năng Mỹ tham gia chiến dịch không kích cùng Israel, điều có thể đẩy giá dầu lên mức chưa từng thấy kể từ đại dịch.

Theo các chuyên gia từ Oxford Economics, trong kịch bản xấu nhất - khi nguồn cung dầu từ Iran bị gián đoạn hoàn toàn và eo biển Hormuz bị phong tỏa - giá dầu có thể tăng vọt lên 130 USD/thùng, kéo theo lạm phát tại Mỹ chạm ngưỡng 6% vào cuối năm 2025.

Mặc dù giá dầu thô Mỹ đã tăng khoảng 10% trong tuần qua, chỉ số S&P 500 vẫn chưa có phản ứng đáng kể. Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại B Riley Wealth cảnh báo: "Khi nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng, thị trường chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội".

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra quyết định trong vòng 2 tuần tới về khả năng can thiệp quân sự. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang dõi theo chặt chẽ biến động tại khu vực, nơi có thể định hình lại toàn bộ triển vọng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm.

C6LQVLVNOJPLNCECN5RC3ERUTM
Một tòa nhà ở Haifa, Israel bị tàn phá do đợt không kích của Iran đáp trả việc Israel tấn công "phủ đầu" nước này, ngày 20/6/2025 - Ảnh: REUTERS

Tác động tức thì: Dầu tăng, cổ phiếu chưa biến động mạnh

Tính từ ngày 10/6, giá dầu Brent đã tăng tới 18%, chạm mức cao nhất trong gần 5 tháng qua. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Theo dữ liệu từ Wedbush Securities, trong các cuộc xung đột lớn trước đây như chiến tranh Iraq 2003 hay vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia năm 2019, thị trường cổ phiếu thường chỉ giảm nhẹ trong ngắn hạn, sau đó phục hồi trong vài tháng tiếp theo.

Tuy vậy, nếu xung đột mở rộng, nhất là với sự tham gia trực tiếp của Mỹ, tâm lý thị trường có thể chuyển sang tiêu cực, với làn sóng bán tháo cổ phiếu và tìm đến các tài sản trú ẩn như đồng USD.

Ban đầu, đồng USD có thể hưởng lợi từ dòng tiền tìm nơi an toàn. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu Mỹ quay lại vai trò "xây dựng quốc gia" như thời kỳ sau 11/9, chi phí quân sự gia tăng sẽ khiến USD chịu áp lực giảm giá, theo nhận định của Macquarie Group.

l_1320963_011846_updates
Một nhà giao dịch ở Sàn Giao dịch Chứng khoán New York đang theo dõi tình hình thị trường, tháng 3/2025 - Ảnh: REUTERS

Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng

Đối với Việt Nam, kịch bản giá dầu vượt 100 - 130 USD/thùng sẽ cũng sẽ có các tác động đáng lưu ý, vừa là thách thức vừa mở ra cơ hội. Ở chiều tích cực, giá dầu tăng giúp nâng thu ngân sách từ khai thác dầu thô, cũng như từ các sắc thuế liên quan như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có thể cải thiện doanh thu và giá trị cổ phiếu, từ đó gia tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Ở chiều ngược lại, do tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam vẫn ở mức cao nên việc giá dầu tăng cũng đặt ra áp lực không nhỏ lên lạm phát và cán cân thương mại. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, sản xuất và logistics sẽ chịu ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào gia tăng, dẫn tới nguy cơ đội giá thành sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh.

gia_20xang_20dau_outlookindia
Ảnh minh họa

Về tiêu dùng, giá xăng dầu tăng có thể khiến người dân thắt chặt chi tiêu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nội địa. Trong bối cảnh này, việc theo dõi sát sao diễn biến giá dầu, điều hành giá linh hoạt và hỗ trợ doanh nghiệp là những yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro và ứng phó kịp thời với các biến động từ thị trường.

Bình luận