Trái phiếu bảo tồn bảo tồn động vật hoang dã – một hình thức tài chính cho vay chi phí thấp gắn liền với việc cắt giảm nạn săn trộm hoặc thực hiện các biện pháp bảo tồn cụ thể – lần đầu tiên được triển khai vào năm 2022 với “trái phiếu tê giác” do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ, và kể từ đó đã có thêm nhiều sáng kiến tương tự.
Vào năm 2024, Rwanda phát hành trái phiếu bảo vệ tinh tinh và vào tháng trước, GEF đã phê duyệt trái phiếu bảo tồn loài vượn cáo tại Madagascar.
Ông Fred Boltz – Trưởng phòng Chương trình của GEF, quỹ khí hậu đa phương lâu đời nhất thế giới – cho biết quỹ này đặt mục tiêu xây dựng một trái phiếu bảo tồn cho cả 54 quốc gia tại châu Phi.

Theo ông Boltz, kế hoạch này sẽ cần khoản đầu tư khoảng 150 triệu USD từ GEF, sau đó sẽ được huy động gấp 10 lần thông qua các khoản vay khác, tạo ra tổng giá trị 1,5 tỷ USD dành cho các nỗ lực bảo tồn.
Các chuyên gia tài chính khí hậu cho biết, một lợi thế quan trọng của trái phiếu bảo tồn động vật hoang dã là khoản vay thường không được ghi vào sổ sách chính phủ của các quốc gia thụ hưởng, cho phép các nước nghèo tiếp cận nguồn tài chính cấp thiết mà không gây áp lực tài khóa.
Các trái phiếu này thường nhắm vào những loài biểu tượng để thu hút các nhà đầu tư chuyên biệt và các nhà hảo tâm. Mức chi trả của chính phủ cũng được gắn liền trực tiếp với công tác bảo tồn, với kết quả càng khả quan, chi phí hoàn trả càng thấp.
GEF kỳ vọng trong tương lai, mô hình này không chỉ giới hạn ở một vài loài cụ thể mà còn có thể mở rộng ra quy mô toàn hệ sinh thái, chẳng hạn như các vùng đất ngập nước.
Sáng kiến trái phiếu bảo tồn động vật hoang dã do GEF thúc đẩy, tổ chức được thành lập sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992, diễn ra trong bối cảnh nhiều dự án phát triển và bảo tồn đang chịu sức ép lớn do Mỹ và một số nền kinh tế lớn cắt giảm nguồn viện trợ.
Ông Boltz cho biết thêm, nhiều quốc gia lo ngại rằng trong bối cảnh nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng eo hẹp, việc duy trì mức đóng góp như kỳ trước có thể sẽ rất khó khăn. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tìm cách làm được nhiều hơn với ít nguồn lực hơn.”
Tính đến nay, GEF đã đầu tư tổng cộng 7,7 tỷ USD vào các dự án tại châu Phi, bao gồm sáng kiến 85 triệu USD nhằm chống sa mạc hóa tại khu vực Sahel.