Theo tuyên bố của Đại diện cấp cao EU về an ninh và đối ngoại Kaja Kallas, thỏa thuận mới sẽ cho phép mở thêm nhiều cửa khẩu, gia tăng số lượng xe tải chở thực phẩm và hàng cứu trợ, đồng thời đẩy nhanh quá trình sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và tăng cường bảo vệ cho nhân viên cứu trợ nhân đạo tại hiện trường.
Bà Kallas nhấn mạnh: “EU và Israel đạt được sự hiểu biết chung rằng viện trợ quy mô lớn cần được chuyển trực tiếp tới người dân Gaza, không bị cản trở hoặc trung gian chính trị hóa.” Bà bày tỏ tin tưởng rằng Israel sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết đã thống nhất trong khuôn khổ thỏa thuận.

EU khẳng định sẵn sàng phối hợp với các tổ chức nhân đạo, cơ quan Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo triển khai khẩn cấp các bước đi đã thỏa thuận.
Thỏa thuận được công bố trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas tại Qatar bước sang ngày thứ 5, với mục tiêu hướng tới một lệnh ngừng bắn bền vững tại Gaza. Đàm phán hiện được bảo trợ bởi Qatar, Mỹ và Ai Cập, ba quốc gia trung gian đóng vai trò dẫn dắt quá trình hòa giải kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023.
Dù đã có một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11/2023, và một đợt tạm dừng giao tranh kéo dài hai tháng từ tháng 1/2025, nhưng các cuộc hòa đàm trước đó chưa thể mang lại giải pháp dài hạn. Các vòng đàm phán thường xuyên bị đình trệ do bất đồng về điều kiện trao đổi tù binh, rút quân và kiểm soát biên giới.
Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan rằng một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện có thể đạt được trong tuần này hoặc tuần tới. Ông gọi đây là “cơ hội rất tốt” để chấm dứt giao tranh và bắt đầu giai đoạn tái thiết Gaza với sự hỗ trợ quốc tế.
Việc EU và Israel đạt được thỏa thuận về tiếp cận nhân đạo là bước tiến quan trọng, được kỳ vọng sẽ cải thiện điều kiện sống cho hơn 2 triệu người dân Gaza, nhiều người trong số họ hiện sống trong cảnh thiếu lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế cơ bản. Theo các tổ chức cứu trợ, Gaza đang đứng trước nguy cơ thảm họa nhân đạo toàn diện nếu tình trạng phong tỏa không được tháo gỡ nhanh chóng.
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi mở rộng hành lang nhân đạo và ngừng bắn lâu dài, tạo điều kiện cho công tác cứu trợ cũng như các nỗ lực tái thiết. Thỏa thuận lần này giữa EU và Israel là dấu hiệu cho thấy áp lực quốc tế đang tạo ra chuyển biến thực tế, dù lệnh ngừng bắn chính thức vẫn chưa được ký kết.
Hiện các bên vẫn tiếp tục đàm phán tại Doha và Cairo, trong khi cộng đồng nhân đạo hy vọng việc gia tăng tiếp cận cứu trợ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân Gaza, mở đường cho giải pháp chính trị lâu dài trong khu vực.