Đây là lần đầu tiên phía Mỹ chính thức thừa nhận một cuộc tấn công trực tiếp của Tehran đã gây thiệt hại tại căn cứ chiến lược này.
Theo Business Insider, hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs (Mỹ) ghi lại cho thấy vết cháy xém hình tròn và một tòa nhà liền kề bị hư hại tại Al Udeid. So sánh với ảnh chụp trước thời điểm tấn công chỉ vài giờ, khu vực bị thiêu rụi từng là vị trí của một mái vòm trắc địa trị giá 15 triệu USD và một tòa nhà chứa thiết bị liên lạc vệ tinh của quân đội Mỹ.
Cuộc tấn công diễn ra vào ngày 23/6, chỉ vài giờ sau khi Mỹ tiến hành không kích ba cơ sở hạt nhân của Iran. Để đáp trả, Tehran đã phóng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhằm vào Al Udeid.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sean Parnell xác nhận một trong các tên lửa đã đánh trúng căn cứ, gây "thiệt hại tối thiểu đối với thiết bị và cấu trúc", song không nói rõ liệu phần mái vòm bị phá hủy có phải do trúng đạn trực tiếp hay do mảnh vỡ từ hệ thống đánh chặn.
Hệ thống Patriot của Mỹ và quân đội Qatar đã được kích hoạt để đánh chặn loạt tấn công. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết 13 trong số 14 tên lửa Iran đã bị bắn hạ, tên còn lại bay theo hướng “không đe dọa tính mạng binh sĩ”.
Tuy vậy, hình ảnh vệ tinh đã hé lộ mức độ phá hoại dù không nghiêm trọng, và cho thấy một lỗ hổng trong khả năng đánh chặn khi một tên lửa vẫn có thể tiếp cận căn cứ. Điều này làm dấy lên lo ngại về năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ trước các cuộc tấn công phủ đầu quy mô nhỏ.
Al Udeid là căn cứ đầu não của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) tại Trung Đông, đồng thời là trung tâm chỉ huy hoạt động của không quân Mỹ trong khu vực. Việc Iran tấn công vào căn cứ này mang ý nghĩa biểu tượng và chiến lược lớn, dù mục tiêu dường như không nhằm gây thương vong mà gửi tín hiệu răn đe trước các động thái quân sự của Mỹ và Israel.
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh căng thẳng Israel–Iran leo thang suốt nhiều ngày. Trước đó, Israel không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, tiêu diệt một số chỉ huy cấp cao. Tehran đáp trả bằng hàng trăm tên lửa và UAV nhắm vào lãnh thổ Israel, trong khi Mỹ cũng tham gia hỗ trợ bằng các đợt không kích phối hợp.
Ngay sau vụ tấn công, Iran và Israel đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt 12 ngày giao tranh, với vai trò trung gian của Qatar và Liên Hợp Quốc. Một số chuyên gia cho rằng việc Iran chủ động thông báo trước với Mỹ và chỉ gây thiệt hại giới hạn là chiến thuật rút lui trong danh dự, nhằm tránh bị cuốn vào một cuộc chiến toàn diện.
Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thực tế tại các cơ sở hạt nhân của Iran, cũng như tác động dài hạn đến chương trình hạt nhân nước này, vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trong giới quan sát và các cơ quan tình báo phương Tây.