Cơ quan quản lý ngành dầu mỏ của Brazil, ANP, sẽ đấu giá quyền thăm dò 172 lô dầu khí trải dài trên diện tích 146.000 km2, một khu vực rộng gấp đôi Scotland, phần lớn nằm ngoài khơi.
Cuộc đấu giá bao gồm 47 lô đất ở lưu vực sông Amazon, tại một khu vực nhạy cảm gần cửa sông mà các công ty nhiên liệu hóa thạch coi là một vùng đất dầu mỏ mới đầy hứa hẹn.

Cuộc đấu giá đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới của Brazil, một tham vọng được tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva ủng hộ.
Ông cho rằng, doanh thu từ dầu mỏ sẽ mang lại sự phát triển kinh tế và tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên nhiều nhóm, bao gồm các nhà bảo vệ môi trường, công tố viên liên bang và thậm chí cả các công đoàn công nhân dầu mỏ, đang thúc đẩy việc hủy bỏ vòng đấu thầu do các nghiên cứu đánh giá môi trường không đầy đủ, vi phạm quyền của người bản địa và sự không tương thích giữa việc tăng sản lượng dầu với các cam kết về khí hậu của Brazil.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, việc phát triển các mỏ dầu khí mới không phù hợp với nỗ lực toàn cầu nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Viện ClimaInfo của Brazil đã tính toán rằng, việc đốt dầu và khí đốt từ tất cả 172 lô đang được chào bán, nếu chúng được đưa vào giai đoạn sản xuất, có thể dẫn đến việc giải phóng hơn 11 tỷ tấn CO2 - tương đương với lượng khí thải trong hơn 6 năm từ ngành nông nghiệp gây ô nhiễm của quốc gia này…
Lưu vực Amazon là trung tâm của cuộc tranh luận xung quanh tương lai của hoạt động khai thác dầu mỏ ở Brazil.
Công ty dầu khí do nhà nước kiểm soát, Petrobras, đã dành nhiều năm để cố gắng xin giấy phép môi trường để khoan ở đó, và Lula đã gây áp lực lên cơ quan giám sát môi trường, Ibama, để cấp giấy phép.
Các khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động khoan ngoài khơi và các hoạt động liên quan trên bờ bao gồm các rạn san hô nhạy cảm và các cộng đồng bản địa cho biết họ chưa được tham vấn thỏa đáng.