Theo số liệu mới được Ngân hàng Trung ương Bolivia (BCB) công bố, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị giao dịch thông qua các kênh thanh toán điện tử và công cụ cho tài sản ảo (VA) đạt 294 triệu USD, tăng hơn 530% so với mức 46,5 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5, khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục 68 triệu USD.
BCB cho biết, các công cụ này đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận các giao dịch ngoại tệ, bao gồm kiều hối, thanh toán và mua sắm nhỏ lẻ – mang lại lợi ích cho các hộ kinh doanh siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở nhiều lĩnh vực, cũng như các gia đình trên cả nước.

Biểu đồ cho thấy người dân Bolivia đang chuyển sang sử dụng các sàn tiền điện tử như Binance và đồng ổn định giá Tether để bảo vệ tài sản. - Ảnh: Reuters.
Tiền điện tử từng bị cấm tại Bolivia cho đến tháng 06/2024. Kể từ khi lệnh cấm được gỡ bỏ, tổng khối lượng giao dịch đã đạt 430 triệu USD, với hơn 10.000 giao dịch cá nhân.
BCB cho biết thêm, chính phủ đang xây dựng khung pháp lý toàn diện cho các công ty công nghệ tài chính, phù hợp với chuẩn quốc tế do Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính Khu vực Mỹ Latinh (GAFILAT) đề ra.
Bolivia hiện đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với lượng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, lạm phát chạm ngưỡng cao nhất trong 40 năm và khan hiếm nhiên liệu khiến người dân phải xếp hàng dài tại các trạm xăng.
Trong khi đó, tỷ giá của đồng boliviano đã mất tới một nửa giá trị trên thị trường kể từ đầu năm nay, dù chính phủ đang cố gắng giữ ổn định. Điều này khiến người dân ngày càng tìm đến các phương án thay thế để bảo vệ tài sản của họ và thực hiện các giao dịch.
Dù các nhà ủng hộ tiền điện tử xem đây là giải pháp dựa trên công nghệ blockchain, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo hình thức này tiềm ẩn rủi ro cao.
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bolivia, ông Jose Gabriel Espinoza, nhận định: “Đây không phải là dấu hiệu của sự ổn định. Nó phản ánh nhiều hơn về sức mua của các hộ gia đình đang suy giảm nghiêm trọng.”