Theo các nguồn tin, quyết định được đưa ra hôm 2/7, dù đánh giá nội bộ từ các sĩ quan cấp cao của Lầu Năm Góc cho thấy kho đạn dược của Mỹ tuy ở mức thấp nhưng chưa chạm ngưỡng tối thiểu, và việc viện trợ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Đáng chú ý, đây là lần thứ ba ông Hegseth đơn phương ra lệnh đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2/2025. Hai lần trước, các quyết định đều bị phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội và sau đó bị đảo ngược.
Đợt viện trợ vừa bị đình chỉ bao gồm nhiều hệ thống phòng không, tên lửa và đạn dược quan trọng, vốn được Kiev đánh giá là thiết yếu trong việc duy trì khả năng phản công và phòng thủ trước các đợt tấn công bằng UAV và tên lửa của Nga.

Đại sứ Mỹ tại NATO, ông Matthew Whitaker, xác nhận việc tạm dừng này và lập luận rằng Mỹ cần giữ lại lượng đạn dược cần thiết cho chính lực lượng vũ trang nước mình. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ và chuyên gia phản bác lập luận này.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Parnell cho biết quyết định đình chỉ là một phần trong “đánh giá chiến lược năng lực”, đồng thời nhấn mạnh Mỹ không thể "cung cấp vũ khí cho tất cả các nước trên toàn thế giới".
Nhà Trắng cũng lên tiếng bảo vệ Bộ trưởng Hegseth, viện dẫn đánh giá đang diễn ra về mức độ sẵn sàng chiến đấu và ưu tiên nội địa. Tổng thống Donald Trump nói với báo giới: “Chúng tôi vẫn viện trợ cho Ukraine, nhưng trước hết cần bảo vệ chính chúng ta.”
Trong khi đó, đảng Dân chủ chỉ trích mạnh mẽ quyết định này. Nghị sĩ Adam Smith, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, gọi các lập luận về sự sẵn sàng quân sự là “không trung thực” và mang động cơ chính trị.
Tờ Bild của Đức trích lời một số chuyên gia quân sự cảnh báo Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược vào cuối mùa hè nếu Mỹ ngừng hỗ trợ, trong đó đặc biệt lo ngại về khả năng vận hành các hệ thống HIMARS – vốn phụ thuộc vào tên lửa do Mỹ cung cấp – và năng lực đánh chặn UAV của Nga.
Trong một diễn biến liên quan, tờ The Guardian cho biết Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm hôm 4/7. Hai bên trao đổi về năng lực phòng không của Kiev và khả năng hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng trong tương lai gần.
Phát biểu sau cuộc gọi, ông Zelensky mô tả đây là “một cuộc trao đổi quan trọng và hữu ích” trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với nguy cơ suy giảm hỗ trợ từ phương Tây.
Giới quan sát nhận định động thái tự quyết của ông Hegseth có thể làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ chính quyền Trump cũng như gây lo ngại trong các nước NATO về tính nhất quán của chính sách viện trợ Ukraine trong giai đoạn chiến sự đang căng thẳng.