Ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira xác nhận trên kênh truyền hình Channel 3 rằng Washington đã quyết định áp mức thuế 36% với hàng hóa Thái Lan. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia nhận “tối hậu thư” từ Mỹ, dù trước đó Thái Lan đã nỗ lực đàm phán và gửi đề xuất thương mại sửa đổi.
“Tôi thật sự bất ngờ. Phía Mỹ vẫn chưa phản hồi đề xuất mới của chúng tôi, nhưng tôi tin tưởng rằng thuế suất này sẽ được điều chỉnh sau các cuộc đàm phán sắp tới. Mục tiêu là hoàn tất đàm phán trước ngày 1/8,” ông Pichai nói.
Trước đó, ông Pichai đã dẫn đầu một phái đoàn tới Mỹ để đối thoại về các chính sách thuế đối ứng. Dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định phía Thái Lan đã thu thập được những phản hồi giá trị từ Washington, giúp hình thành một đề xuất mới phù hợp hơn với mong muốn của Mỹ.

“Chúng tôi nhận thấy Mỹ vẫn coi Thái Lan là một đối tác kinh tế đáng tin cậy. Đó là nền tảng quan trọng cho vòng đàm phán tiếp theo. Lập trường của chúng tôi là: thỏa thuận phải thực tế, bền vững và cùng có lợi,” ông nhấn mạnh.
Căng thẳng thương mại Thái Lan - Mỹ bùng lên sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo gửi thư tới lãnh đạo 14 quốc gia, cảnh báo về các mức thuế quan mới có thể lên đến 40%. Tuy nhiên, ông cũng quyết định lùi thời hạn áp dụng chính thức đến ngày 1/8, nhằm tạo cơ hội cho các nước đàm phán lại các điều khoản thương mại.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đầu tiên xác nhận đã nhận thư cảnh báo. Cả hai đều khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán để tránh việc bị áp mức thuế 25% như cảnh báo. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết nước này đang hướng đến một thỏa thuận thương mại song phương “mang tính xây dựng.” Phía Hàn Quốc cũng thông báo triệu tập phiên họp khẩn cấp giữa các bộ liên quan để tìm cách ứng phó.
Cùng với Thái Lan, các nước như Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Myanmar và Lào cũng nằm trong danh sách 14 quốc gia có nguy cơ đối mặt với thuế suất cao từ Mỹ. Trong số này, một số quốc gia được cho là sẽ bị áp thuế lên tới 40% nếu không đạt thỏa thuận trước ngày 1/8.
Các động thái cứng rắn từ Washington đang khiến nhiều nền kinh tế xuất khẩu châu Á rơi vào thế bị động. Giới chuyên gia nhận định rằng mục tiêu của Mỹ là buộc các nước mở cửa thị trường hơn nữa và giảm bớt các rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Hiện Thái Lan đang cân nhắc điều chỉnh chính sách thương mại để thích nghi với áp lực từ Mỹ, đồng thời bảo vệ năng lực cạnh tranh và ổn định thị trường xuất khẩu. Một số chuyên gia kinh tế tại Bangkok cũng đề xuất Chính phủ đẩy nhanh cải cách thể chế và ký kết thêm các hiệp định thương mại khu vực để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn.