Apple chi 500 triệu đô la để đưa nguồn cung nam châm đất hiếm trở lại Mỹ

Apple đã ký một thỏa thuận trị giá 500 triệu đô la với MP Materials về cung cấp nam châm đất hiếm.

Thỏa thuận được công bố hôm 15/7 đảm bảo cho Apple nguồn cung đất hiếm và nam châm ổn định, không có nguồn gốc từ Trung Quốc - quốc gia sản xuất nam châm lớn nhất thế giới.

Đối với Apple, chi phí hỗ trợ sản xuất nam châm tại Mỹ không đáng kể so với rủi ro dài hạn là hãng có thể mất hoàn toàn quyền tiếp cận các linh kiện quan trọng này, theo các nhà phân tích.

apple-160725
Logo Apple trên cửa hàng Apple tại The Marche Saint Germain ở Paris, Pháp - Ảnh: Reuters

Tuần trước, MP đã đồng ý một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la với Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó Lầu Năm Góc sẽ trở thành cổ đông lớn nhất và nguồn hỗ trợ tài chính của MP.

"Bất cứ khi nào chính phủ nắm quyền sở hữu, đó đều là một sự tín nhiệm rất lớn", Gracelin Baskaran, Giám đốc chương trình an ninh khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.

Cả thời hạn chính xác của thỏa thuận lẫn khối lượng nam châm cụ thể được cung cấp đều không được tiết lộ, dù thỏa thuận có yêu cầu nam châm phải được sản xuất từ vật liệu tái chế, phù hợp với mục tiêu lâu dài của Apple là chấm dứt sự phụ thuộc vào ngành khai thác mỏ.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để chế tạo nam châm biến năng lượng thành chuyển động, bao gồm các thiết bị làm rung điện thoại di động. Chúng cũng được sử dụng để chế tạo vũ khí, xe điện và nhiều thiết bị điện tử khác.

Theo thỏa thuận, Apple sẽ trả trước cho MP Materials 200 triệu đô la để cung cấp nam châm, dự kiến bắt đầu vào năm 2027.

Các công ty cho biết nam châm sẽ được sản xuất tại cơ sở Fort Worth, Texas của MP, sử dụng nam châm tái chế tại khu phức hợp khai thác mỏ Mountain Pass , California.

Apple cho biết, thỏa thuận này là một phần trong cam kết đầu tư 500 tỷ đô la trong bốn năm vào Mỹ.

Hãng này đã phải đối mặt với những lời đe dọa từ ông Trump về việc sản xuất iPhone không phải tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc sản xuất iPhone tại Mỹ là không thể, do chi phí lao động và chuỗi cung ứng điện thoại thông minh hiện tại.

Bình luận