Chính phủ Anh cho biết, việc hợp nhất một số cơ quan quản lý thành một hệ thống giám sát tập trung sẽ góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Ngành nước tại Anh và xứ Wales – vốn được tư nhân hóa – đã bị chỉ trích dữ dội vì xả lượng nước thải kỷ lục ra môi trường do thiếu đầu tư trong nhiều năm, trong khi các lãnh đạo công ty vẫn được nhận thưởng và chia cổ tức cao.
Tuy nhiên, chính phủ đang đối mặt với bài toán khó khăn khi tìm cách vực dậy một ngành có mức nợ cao đến mức nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản.

Nước thải từ một đường ống xả vào Sông Mersey gần nhà máy xử lý nước thải của United Utilities ở Stretford, Anh. - Ảnh: Reuters.
Trong số đó, Thames Water – nhà cung cấp nước lớn nhất nước Anh với 16 triệu khách hàng và khoản nợ lên tới 23 tỷ USD – hiện đang đứng trước nguy cơ bị quốc hữu hóa.
Doanh nghiệp này cảnh báo rằng, họ có thể phá sản vào năm 2026 nếu không có khoản đầu tư mới, trong khi đang phải đối mặt với 1,9 tỷ USD tiền phạt và các chế tài liên quan đến ô nhiễm môi trường trong vòng 5 năm tới.
Ông Jon Cunliffe, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, người dẫn đầu cuộc đánh giá về ngành nước vừa được công bố ngày 21/07, đã đề xuất thành lập một cơ quan quản lý mới, thay thế nhiều cơ quan hiện hành. Ông cũng khuyến nghị xây dựng một cơ chế tái cấu trúc chính thức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn phục hồi.
Ông Steve Reed, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh, đồng thuận với đề xuất xóa bỏ Cơ quan Quản lý Ngành nước (Ofwat) trong khuôn khổ cải cách này. Dự kiến, chính phủ sẽ đưa ra kế hoạch tham vấn và đề xuất lập pháp vào cuối năm nay.
Các đề xuất của ông Cunliffe được đánh giá là cuộc cải tổ ngành nước lớn nhất kể từ khi được tư nhân hóa vào năm 1989. Tuy nhiên, các nhà vận động môi trường kêu gọi cần có những thay đổi triệt để hơn, thậm chí là quốc hữu hóa toàn bộ ngành này.
Ông Giles Bristow, Giám đốc điều hành tổ chức Surfers Against Sewage, nhấn mạnh, việc xóa bỏ Ofwat và thay bằng một cơ quan giám sát mới sẽ không chấm dứt tình trạng xả nước thải bừa bãi hay đầu cơ trục lợi.
Tuy nhiên, ông Reed cho rằng, việc quốc hữu hóa ngành nước sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm đầu tư cho lĩnh vực y tế và giáo dục, và có thể dẫn đến hàng loạt vụ kiện pháp lý khiến tiến trình cải cách bị đình trệ.
Theo kế hoạch đã được Ofwat công bố, các công ty cấp nước tại Anh sẽ được đầu tư hơn 135 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để ứng phó với sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu, với phần lớn sẽ được tài trợ thông qua việc tăng giá nước trung bình 36% cho người tiêu dùng. Đây là mức tăng lớn mà ông Reed cho biết chỉ diễn ra một lần duy nhất.