Bộ Than Ấn Độ cho biết, các nhà sản xuất điện than sẽ không còn bị ràng buộc bởi yêu cầu phải có hợp đồng mua bán điện trước khi được bán điện.
Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng, những thay đổi này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp điện lực lên kế hoạch đầu tư các tổ máy nhiệt điện mới, từ đó góp phần tăng công suất phát điện trong tương lai.

Nhà máy nhiệt điện than thuộc công ty Essar Power ở Salaya, cách thành phố Ahmedabad khoảng 400km. - Ảnh: Getty Images.
Ấn Độ cũng đang thúc đẩy xây dựng thêm nhiều nhà máy điện tại khu vực gần các mỏ than, nhằm giảm thiểu khó khăn và chi phí trong quá trình vận chuyển than đến những địa điểm xa xôi, nơi thường đặt các nhà máy điện.
Theo chính sách mới được Nội các Ấn Độ phê duyệt vào ngày 07/05, các nhà sản xuất điện độc lập, dù có hoặc không có hợp đồng mua bán điện, sẽ được quyền tiếp cận nguồn cung than thông qua hình thức đấu giá, với thời hạn từ 12 tháng đến tối đa 25 năm, bằng cách trả mức giá cao hơn so với giá niêm yết.
Ấn Độ đặt mục tiêu nâng công suất điện than thêm 80 gigawatt (GW) vào năm tài khóa 2031–2032, từ mức 222 GW hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng.
Dữ liệu từ Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA) cho thấy, trong 5 năm qua, Ấn Độ đã bổ sung gần 28 GW công suất điện than.
Việc gia tăng công suất điện than được thực hiện đồng thời với mục tiêu phát triển ít nhất 500 GW năng lượng sạch vào năm 2030, so với mức 172 GW hiện tại.
Tuy nhiên, ngành năng lượng tái tạo của Ấn Độ hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn như nhu cầu đấu thầu thấp, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, chậm trễ ký kết hợp đồng mua bán điện và tình trạng hủy bỏ dự án.