Ấn Độ giải mã dữ liệu hộp đen vụ rơi máy bay Air India

VOH - Ngày 26/6, Ấn Độ cho biết các điều tra viên đã truy xuất dữ liệu từ hộp đen chiếc máy bay xấu số Boeing 787 Dreamliner của Air India gặp nạn hôm 12/6. Thảm kịch đã khiến 260 người thiệt mạng.

Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất thế giới trong vòng 10 năm qua.

Chiếc máy bay chở khách hành trình từ Ahmedabad (Ấn Độ) đến London (Anh) đã rơi chỉ vài giây sau khi cất cánh, khiến 241 trong tổng số 242 người trên khoang thiệt mạng cùng với 19 người khác dưới mặt đất.

Hai hộp đen - gồm thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) và thiết bị ghi dữ liệu bay (FDR) - đã được tìm thấy vài ngày sau vụ tai nạn. Một thiết bị nằm trên mái một tòa nhà gần hiện trường được tìm thấy ngày 13/6, và hộp đen còn lại nằm trong đống đổ nát được tìm thấy ngày 16/6.

Theo quy chuẩn, máy bay Boeing 787 được trang bị 2 thiết bị ghi dữ liệu - một phía trước và một phía sau - do General Electric (GE) sản xuất. GE cũng chính là đơn vị cung cấp động cơ và hệ thống ghi âm - ghi dữ liệu tích hợp cho chiếc Dreamliner gặp nạn.

Hộp ghi phía trước có nguồn điện độc lập, cho phép tiếp tục ghi dữ liệu trong khoảng 10 phút nếu máy bay mất điện hoàn toàn, theo báo cáo của NTSB năm 2014.

Theo Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ, dữ liệu từ hộp đen phía trước đã được nhóm điều tra thuộc Cục Điều tra Tai nạn Hàng không (AAIB) truy xuất vào ngày 26/6 với sự phối hợp từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB).

“Những nỗ lực này nhằm tái dựng chuỗi sự kiện dẫn đến vụ tai nạn, xác định các yếu tố góp phần gây ra sự cố, từ đó nâng cao an toàn hàng không và ngăn ngừa tái diễn,” trích thông cáo của Bộ cho biết.

P76LQNTD7FLV5NNBJDM6TVVZ6U
Phần đuôi của chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Air India va chạm mạnh và kẹt vào tòa nhà - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch NTSB, bà Jennifer Homendy, bày tỏ hy vọng chính phủ Ấn Độ sẽ sớm công bố thông tin chi tiết về cuộc điều tra.

“Vì lý do an toàn hàng không, an toàn chung của cộng đồng và nâng cao nhận thức về tai nạn hàng không, chúng tôi mong rằng Ấn Độ sẽ chia sẻ kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất,” bà Homendy nói.

Bà cũng cho biết phía NTSB đã làm việc tích cực, nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ phía chính phủ Ấn Độ và AAIB.

Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay cuộc điều tra hiện tập trung vào khả năng mất lực đẩy động cơ khi máy bay đạt độ cao khoảng 200m.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng máy bay có thể đã hoạt động bằng nguồn điện khẩn cấp vào thời điểm gặp nạn.

3db253f6863ae2c69be43206956bd3e7931e5884f7e2053d276c38de3fe40fd6
Vụ rơi máy bay của Air India là một trong những thảm kịch hàng không nghiêm trọng nhất thế giới trong 10 năm qua - Ảnh: The Straits Times

Việc giải mã hộp đen bắt đầu sau gần 2 tuần xảy ra thảm kịch được một số chuyên gia đánh giá là chậm trễ bất thường. Trước đó đã có suy đoán rằng Ấn Độ có thể gửi thiết bị sang Mỹ để phân tích.

Chuyên gia an toàn hàng không Anthony Brickhouse cho biết trong những tai nạn lớn như vậy, cơ quan chức năng thường công bố sớm tình trạng hộp đen và nhanh chóng trích xuất dữ liệu, vì “các quốc gia hiểu rằng cả thế giới đang theo dõi và chờ đợi thông tin”.

Trong khi đó, phía chính phủ Ấn Độ khẳng định các tiến trình xử lý của nước này là “tuân thủ đầy đủ pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế, với tiến độ phù hợp.”

Bình luận