Theo kế hoạch, ông Shukla, 39 tuổi, một phi công chiến đấu thuộc không quân Ấn Độ, sẽ cùng 3 thành viên khác khởi hành từ Mỹ ngày 10/06, do công ty tư nhân Axiom Space phối hợp thực hiện và sử dụng tàu vũ trụ của SpaceX.
Ông Shukla sẽ trở thành phi hành gia gốc Ấn Độ thứ 3 bay vào quỹ đạo. Trước đó là ông Rakesh Sharma, người từng tham gia sứ mệnh năm 1984 trên tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô, và bà Kalpana Chawla – sinh ra tại Ấn Độ nhưng sau đó trở thành công dân Mỹ và từng thực hiện 2 sứ mệnh trên tàu vũ trụ.

Phi hành đoàn (từ trái sang phải): ông Tibor Kapu, ông Shubhanshu Shukla, chỉ huy Peggy Whitson và ông Sławosz Uznański-Wiśniewski. - Ảnh: Axiom Space.
Ông Shukla chia sẻ: “Tôi thực sự tin rằng, dù là cá nhân tôi bay vào không gian, đây là hành trình của 1,4 tỷ người dân Ấn Độ”. Ông kỳ vọng chuyến bay này sẽ kích thích sự tò mò và đam mê khoa học cho cả một thế hệ tại đất nước của ông.
Theo ông Shukla, hành trình trên Axiom Mission 4, với thời gian lưu trú dự kiến 14 ngày trên ISS, sẽ mang lại những bài học vô giá để phục vụ cho các sứ mệnh trong nước.
Trong sứ mệnh lần này, ông Shukla sẽ đồng hành cùng bà Peggy Whitson, cựu phi hành gia NASA và hiện là nhân viên của Axiom. Hai thành viên còn lại là phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), ông Sławosz Uznański-Wiśniewski đến từ Ba Lan và ông Tibor Kapu của Hungary.
Nhóm sẽ thực hiện 60 nghiên cứu khoa học, bao gồm các thí nghiệm về vi trọng lực, quan sát Trái Đất, nghiên cứu sự sống, sinh học và vật liệu.
Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) khẳng định, sứ mệnh này đánh dấu một “chương mới mang tính bước ngoặt”, là biểu tượng của một quốc gia tự tin, hướng tới tương lai và quyết tâm khẳng định lại vị thế trong cuộc đua không gian toàn cầu.
Theo truyền thông Ấn Độ, New Delhi đã chi hơn 60 triệu USD để thực hiện sứ mệnh đưa phi hành gia đầu tiên của nước này lên ISS.
Thủ tướng Narendra Modi cũng đã công bố kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2040. Trong khi đó, ISRO đang chuẩn bị triển khai sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên của riêng mình mang tên Gaganyaan – có nghĩa là “tàu vũ trụ” trong tiếng Hindi – vào năm 2027. Ông Shukla được xem là một trong những ứng viên tiềm năng cho sứ mệnh này.
Trong thập kỷ qua, chương trình không gian của Ấn Độ đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn tốc độ, đạt được nhiều thành tựu sánh ngang các cường quốc không gian, nhưng với chi phí tiết kiệm hơn đáng kể.
Tháng 08/2023, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư – sau Nga, Mỹ và Trung Quốc – hạ cánh thành công tàu thám hiểm không người lái lên mặt Mặt trăng.