Cụ thể, bệnh nhân T.H (Thanh Hóa) mang bầu tuần 31 có biểu hiện sốt cao, toàn thân phát ban, ho khan nhiều, hắt hơi. Bệnh nhân nhập Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán sởi, theo dõi nguy cơ biến chứng và tình trạng ảnh hưởng thai nhi. Sản phụ chưa tiêm phòng sởi trước khi mang thai.
Ngay trong tối sau khi nhập viện, bệnh tiến triển nhanh, sản phụ đau bụng âm ỉ, tăng dần cường độ, cổ tử cung mở, dịch âm đạo ra nhiều. Bệnh nhân được chuyển khẩn cấp qua Khoa Sản để hỗ trợ theo dõi sinh.
Sau đó, em bé chào đời non tháng, chỉ nặng 1,7kg, phải nằm lồng ấp, thở máy và theo dõi sát.

Theo các bác sĩ Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, phụ nữ mang thai mắc sởi phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con như: Viêm phổi, sinh non, sảy thai, thai lưu, nhiễm trùng sơ sinh nặng, trẻ nhẹ cân, trẻ bị viêm màng não bán cấp…
Biện pháp phòng ngừa duy nhất, hiệu quả là tiêm vaccine phòng sởi trước khi mang thai. Nếu chưa rõ đã tiêm hay chưa, hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra và tiêm chủng kịp thời.
Vaccine sởi được tiêm dưới dạng vaccine sởi đơn (MVVAC) hoặc vaccine dạng phối hợp sởi – quai bị – rubella (MMR).
Tối ưu nhất, phụ nữ nên tiêm ngừa ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để cơ thể tạo kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, nếu vô tình tiêm vaccine trong giai đoạn thụ thai hoặc giai đoạn đầu thai kỳ, việc này không được xem là chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Bệnh viện đặc biệt lưu ý, sản phụ không tiêm vaccine sởi trong thai kỳ vì những loại vaccine này là vaccine sống giảm độc lực, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Với những sản phụ không có bằng chứng miễn dịch với bệnh sởi nên tiêm vaccine phòng bệnh sau sinh, lý tưởng nhất là trước khi xuất viện về nhà.