Trước đó vào chiều 22/6, bé H.C. (8 tuổi, tại Hà Tĩnh) bị chìm xuống sông. Bé được vớt lên trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim. Tuy nhiên, khi được đưa tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu và cứu sống bé trai này.

Theo lời kể của gia đình, ngày 22/6, bé C. bị đuối nước trên sông trong khoảng 10 phút, khi được phát hiện và cứu lên, bé đã trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong gần.
Bé C. được sơ cứu ban đầu và được chuyển vào bệnh viện huyện đặt ống nội khí quản. Sau đó được chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng hôn mê, bóp bóng qua ống nội khí quản.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hùng Mạnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc chia sẻ, khi tim ngừng đập, não và các cơ quan quan trọng khác sẽ bị thiếu oxy nghiêm trọng. Sau khi tim đập trở lại, quá trình tái tưới máu đột ngột có thể gây ra hàng loạt phản ứng viêm và tổn thương tế bào thứ phát, đặc biệt là ở não.
“Chính vì vậy, đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và gia đình bệnh nhi đã thống nhất áp dụng các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu cho trẻ, hạ thân nhiệt chỉ huy, từ đó ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương cơ thể, giúp tăng cơ hội sống sót và hạn chế tối đa các biến chứng cho trẻ” – bác sĩ Mạnh chia sẻ.
Sau 70 giờ theo dõi sát sao, tình trạng của bệnh nhi đã có tiến triển khi tri giác được cải thiện, có phản xạ tốt. Bệnh nhi được chuyển sang thở máy, và sau gần 3 tuần điều trị tích cực, hiện tại, bệnh nhi này đã cai máy thở, sức khỏe đã ổn định hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, đuối nước là tai nạn có thể cướp đi sinh mạng con trẻ trong tích tắc. Khi trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời là yếu tố then chốt.
Nếu trẻ bất tỉnh, không thở, ngừng tim, cần hồi sức tim phổi (ép tim, thổi ngạt) ngay lập tức, rồi nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.