Chị P.T.B.T 36 tuổi, sống tại phường Hiệp Chánh, TP HCM. Chị T. lập gia đình 16 năm chưa từng sinh con và có 1 lần sẩy thai lúc 8 tuần vào năm 2022. Lần này chị tình cờ phát hiện có thai lúc 8 tuần 5 ngày, chị đi khám thai định kỳ 6 lần, lúc 12 tuần xét ngiệm sàng lọc NIPT nguy cơ thấp.
Lúc 24 tuần, siêm âm khảo sát hình thái phát hiện dị tật bẩm sinh tim nặng. Sau đó, Chị T. có đến Viện tim kiểm tra 2 lần ngày 8/4 và 15/4 phát hiện bé bị Hẹp van động mạch phổi nặng, Hở van 3 lá nặng và thiểu sản thất phải.
Khi phát hiện em bé có dị tật bẩm sinh tim nặng, chị T rất bối rối và lo lắng vội lên các trang thông tin điện tử tìm kiếm thông tin thì phát hiện bệnh viện Từ Dũ đã từng thực hiện thông tim can thiệp bào thai thành công cho các em bé bị dị tật tim bẩm sinh nặng tương tự nên 2 vợ chồng quyết định đến Bệnh viện Từ Dũ khám và điều trị.

2 vợ chồng chị T. đến khoa Chăm sóc trước sinh – Trung tâm can thiệp bào thai của bệnh viện Từ Dũ khám siêu âm tiền sản phát hiện thai 25 tuần 1 ngày không có lỗ van động mạch phổi – vách liên thất kín. Các bác sĩ tư vấn và tiến hành chọc ối kết quả không phát hiện bất thường nhiễm sắc thể trên Array CGH. Bé được theo dõi sát tại 2 Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Khi thai được 29 tuần 2 ngày, ước lượng cân nặng 1400g, Hội đồng chuyên môn 2 bệnh viện hội chẩn đánh giá thấy tình trạng thiểu sản thất phải tiến triển – chức năng thất phải giảm dần có nguy cơ thai chết lưu hoặc nguy cơ không có khả năng sửa chữa tuần hoàn 2 thất sau sinh nên quyết định thông tim can thiệp bào thai: Nong van động mạch phổi sau khi cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ phẫu thuật.

Các ekip phẫu thuật được thành lập và lên kế hoạch chi tiết bao gồm ekip can thiệp bào thai, ekip hồi sức sơ sinh, ekip gây mê hồi sức gần 20 người. Sau phẫu thuật can thiệp 4 giờ, huyết động mẹ ổn định, siêu âm kiểm tra tim thai nhi cho thấy các dòng máu chảy khá tốt, không có ghi nhận bất kỳ biến cố nào và chị T. được chuyển ra phòng bệnh tại lầu B4 theo dõi tiếp. Các ngày sau can thiệp chị T. thấy bụng hơi căng, cơn gò xuất hiện nên chị được các bác sĩ sử dụng thuốc cắt cơn gò tối đa và kéo dài 2 tuần lễ thì chị ổn định và được xuất viện.
Sau đó, chị T. được tái khám đều đặn mỗi 2 tuần, các bác sĩ tiền sản đánh giá sự phát triển toàn diện của thai với tất cả các chỉ số đều trong ngưỡng bình thường. Buồng thất phải thai nhi gia tăng kích thước lớn dần lên theo mỗi lần siêu âm với chức năng thất phải ở cả 2 thì tâm thu và tâm trương đều tốt.
Ngày 9/7/2025 sau khi bác sĩ khám đánh giá thai nhi được 37 tuần 1 ngày, ước lượng cân nặng 3147g, ngôi mông với tất cả chỉ số doppler trên siêu âm thai nhi đều bình thường. Ngày 14/7 chị được các bác sĩ hội chẩn lại lần nữa và quyết định chấm dứt thai kỳ khi bé tròn 38 tuần tuổi.

Sáng ngày 15/7/2025, BS CKII. Trần Ngọc Hải – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và BS CKII. Trịnh Nhựt Thư Hương trưởng khoa Chăm sóc trước sinh cùng ekip trực tiếp phẫu thuật lấy thai cho chị T. Sau 5 phút phẫu thuật, một em bé trai cân nằng 3250g khóc thật to và thật mạnh làm cho tất cả nhân viên của khu vực phòng mổ vô cùng ngạc nhiên như em muốn khẳng định một điều rằng em đến với thế giới này là nhờ một phép màu vô cùng tuyệt vời.
Các Bác sĩ của ekip Nhi sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhanh chóng đón em bé và đánh giá thấy tình trạng hô hấp và tuần hoàn tốt không cần phải hỗ trợ bất cứ phương tiện gì, sau đó tiến hành siêu âm kiểm tra tim em bé tại chỗ thấy 4 buồng tim khá cân đối, dòng máu lên van động mạch phổi khá ổn định. Bé được chuyển về bệnh viện Nhi Đồng 1 theo dõi tiếp.

Hậu phẫu ngày đầu tiên chị T. đã có thể tự đi lại, vệ sinh cá nhân khá thoải mái và chị rất vui mừng khi các bác sĩ đến thăm chị. Vết mổ lấy thai của chị hoàn toàn khô sạch, không đau, chị ăn uống gần như bình thường. Chị nhớ lại mới hôm qua khoảng khắc được hôn con ở giây phút đầu tiên, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má, chị T. không thể nói thành lời. Hành trình 16 năm để có một cái kết thật ngọt ngào.
Chị T. chia sẻ với chúng tôi là chị rất mong muốn những thông tin về phẫu thuật can thiệp bào thai như trường hợp của chị được lan tỏa mạnh mẽ để cho bất cứ người phụ nữ nào chẳng may rơi vào tình huống giống như chị T. đều có cơ hội tiếp cận và được phẫu thuật.