Bé trai suýt mù vì mảnh gỗ găm mắt

Một bé trai 7 tuổi suýt mất thị lực vĩnh viễn do mảnh gỗ dài 1,5cm đâm sâu vào hốc mắt gây áp xe nghiêm trọng.

Bệnh nhi là bé trai L.T.L. (7 tuổi, quê Cà Mau) đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận và phẫu thuật thành công.

Trước đó, bé L.T.L. không may bị cây đâm vào vùng mặt khi đang chơi ngoài sân. Sau chấn thương, mắt bé chảy máu, sưng đau và gia đình đã đưa bé đến một phòng khám địa phương để lấy dị vật.

Tuy nhiên, do dị vật không được lấy hết và bé không được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, tình trạng của bé ngày càng nặng hơn.

di vat

Dù đã được dùng kháng sinh và thuốc giảm viêm, chỉ sau 2 ngày, vùng mắt phải của bé sưng to, mưng mủ, đau nhức dữ dội, với dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng. Trước tình hình nguy cấp này, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đánh giá bé L.T.L. bị nhiễm trùng nặng kèm dị vật hốc mắt, tổn thương nhánh trên dây thần kinh sọ số 3, dẫn đến biểu hiện lé ngoài và sụp mi.

Kết quả chụp cắt lớp cho thấy một ổ áp xe lớn quanh hốc mắt phải, đồng thời nghi ngờ còn dị vật nằm sâu bên trong mô mềm. Ngay lập tức, bé được chỉ định mổ khẩn cấp.

Trong quá trình phẫu thuật, sau khi mở vết thương vùng mi mắt, các bác sĩ đã hút ra một lượng mủ lớn và lấy thành công một mảnh dị vật gỗ dài khoảng 1,5cm còn sót lại, nằm sâu trong mô mềm gần ổ mắt.

Chính mảnh dị vật này là nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng lan rộng và hình thành ổ áp xe.

Hiện tại, bé L.T.L. đã qua cơn nguy hiểm và đang được chăm sóc hậu phẫu, tiếp tục điều trị kháng sinh tích cực tại bệnh viện. Khối nhiễm trùng ở hốc mắt đã giảm đáng kể, các triệu chứng lé và sụp mi mắt cũng được cải thiện rõ rệt.

BS CKiI Nguyễn Thị Ngọc Anh - quyền trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan với bất kỳ chấn thương mắt nào ở trẻ, bởi đây là tình huống cấp cứu y tế.

"Nếu xử lý sai, để sót dị vật hoặc chậm trễ điều trị có thể gây áp xe, viêm mô tế bào hốc mắt, hoại tử mô mềm, thậm chí ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn, nhiễm trùng lan rộng nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Ngọc Anh cảnh báo. Bà nhấn mạnh: "Tuyệt đối không tự ý lấy dị vật tại nhà hoặc điều trị tại nơi không có chuyên khoa mắt."

Khi trẻ bị tai nạn vùng mắt, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và theo dõi đúng cách.

Bác sĩ Ngọc Anh cũng nhắc các phụ huynh điều quan trọng nhất là phụ huynh cần theo dõi sát sau chấn thương, và không chần chừ khi thấy các dấu hiệu như sưng nề kéo dài, chảy mủ, đau nhiều, hoặc trẻ than mờ mắt. Việc đưa trẻ đến bệnh viện sớm sẽ quyết định kết quả điều trị."

Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết, trong tháng 6/2025, số trường hợp tai nạn do sinh hoạt ngoài trời nhập viện tại bệnh viện có xu hướng gia tăng, cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn cho trẻ.

Bình luận