Review Đàn Cá Gỗ: Khi giấc mơ không thể "bơi" trong thực tại

Đàn Cá Gỗ - bộ phim ngắn độc lập tạo được sức hút đặc biệt nhờ bài hát nhạc phim đình đám Phép màu. Bộ phim không chỉ là bản mở rộng hình ảnh của một MV ăn khách, mà là một tác phẩm có cá tính rõ nét

Lấy bối cảnh một vùng biển miền Trung, bộ phim xoay quanh Cường - một người trẻ từng ôm giấc mơ sống cuộc đời với âm nhạc, nhưng buộc phải từ bỏ đam mê ấy để nối nghiệp cha, ra khơi đánh cá. Từ cái tên Đàn Cá Gỗ - một món đồ chơi, một biểu tượng và cũng là hình ảnh xuyên suốt tác phẩm, bộ phim khéo léo gài gắm những ẩn dụ về khát vọng, sự kìm nén, và cả quá trình trưởng thành trong mộng tưởng của con người.

poster-dan-ca-go
Poster chính thức của phim xoay quanh nhân vật Cường

Giấc mơ tuổi trẻ chôn vùi trong thực tế

Ngay từ khung hình đầu tiên, Đàn Cá Gỗ đã chọn cho mình một lời mở thổn thức: Cường đứng trên sân khấu lễ hội âm nhạc hát co Hoa nghe, ánh đèn, tiếng nhạc, giấc mơ bừng sáng trong khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ. Nhưng rồi, tất cả chỉ là ký ức. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc ấy bị chính người cha của Cường đập vỡ. Cây đàn - biểu tượng của đam mê bị ném xuống biển sâu. Hành động đó như thể lời tuyên bố dứt khoát rằng ước mơ của Cường là thiếu thực tế.

Cường từng muốn chối bỏ cái thực tại đó và đắm chìm trong ước mơ âm nhạc của mình. Thế nhưng, đời sống vốn chẳng đơn giản. Biến cố ập đến: người cha qua đời, con trai chào đời. Và giữa biển thực tại chênh vênh ấy, Cường đành buông ước mơ để cầm lấy mái chèo. Những điều từng tuyên thệ trở thành quá khứ. Giấc mơ không chết, nhưng bị gói lại, cất trong ngăn ký ức.  Anh chọn sống chọn trách nhiệm, chọn nối tiếp di sản mà anh từng khước từ. Con thuyền cũ nát của người cha giờ thành nơi mưu sinh, thành sợi dây trói chặt anh giữa bao la biển cả.

dan-ca-go
Biển và thuyền là trách nhiệm trói chặt giấc mơ tuổi trẻ

Hoa - người vợ yêu Cường và yêu cả cái giấc mơ của anh là một đối trọng trong hành trình nội tâm ấy. Cô đại diện cho giấc mơ, cho tuổi trẻ không bỏ cuộc. “Anh yêu nhạc, chứ anh có yêu biển đâu” câu nói tưởng như đơn giản ấy lại chính là hồi chuông báo thức, là nhắc nhở dịu dàng lẫn cương quyết với người đàn ông đang dần lãng quên chính mình.

Nhưng cũng như Cường, Hoa cũng phải trưởng thành. Cô từng nghĩ tình yêu là thúc đẩy người kia theo đuổi đam mê, nhưng thực ra, yêu còn là thấu hiểu cả những nỗi buộc ràng mà người đó đang mang. Và trong hành trình trưởng thành ấy, cả hai đều đi qua những vùng nước sâu - nơi giấc mơ và thực tại va vào nhau, trộn lẫn, rồi vỡ tan, trước khi lắng lại thành một sự chấp nhận bình yên.

dan-ca-go-1
Cường và Hoa - những người trẻ có những ước mộng bị chôn vùi

Biển trong Đàn Cá Gỗ là biểu tượng đa tầng cho hành trình ước mơ. Không chỉ là gánh nặng, biển từng là nơi cha Cường từng sống và chết, là nơi Cường sinh ra và dần hiểu rằng: chính cha anh cũng từng có ước mơ. Những hồi tưởng cuối phim khi Cường ngất lịm giữa biển sâu và chuỗi hình ảnh tua ngược hiện ra cho thấy: người cha từng tặng anh cây đàn, từng đứng chung sân khấu với anh trong một giấc mơ dang dở. Giấc mơ của cha, rồi đến giấc mơ của con, đều bị cuốn vào vòng xoáy của chữ “trách nhiệm”.

Câu chuyện muôn thủa qua góc nhìn độc đáo

Cốt truyện của Đàn Cá Gỗ không mới. Giằng xé giữa giấc mơ và trách nhiệm là bài toán cũ kỹ mà thế hệ nào cũng phải giải. Nhưng bằng chất liệu đặc trưng, bộ phim thổi vào chủ đề quen thuộc ấy một hồn rất riêng, đạo diễn đã kể lại nó bằng một lối dựng độc đáo, giàu tính biểu tượng.

Tỷ lệ khung hình 4:3 - lựa chọn đầy ý đồ. Khác với màn ảnh rộng thường dùng để kể những câu chuyện hoành tráng, tỷ lệ 4:3 gợi cảm giác thân mật, như đang xem một cuốn băng cũ, một cuốn nhật ký hình ảnh. Nó khiến không gian hẹp lại, góc nhìn thu nhỏ - đúng như cảm giác Cường đang bị bó hẹp bởi truyền thống, bởi biển, bởi những lựa chọn không thuộc về mình. Cách quay kiểu point-of-view càng khiến người xem chìm vào nội tâm của nhân vật, như đang sống cùng anh, thở cùng anh, và cuối cùng là… chìm cùng anh giữa lòng biển.

Trailer Đàn Cá Gỗ với những khung hình 4:3 đậm chất diện ảnh

Phim dùng nhiều cú máy tĩnh, những đoạn cận cảnh kéo dài, không lời thoại. Người xem phải quan sát ánh mắt, bàn tay, khoảng lặng chứ không thể chỉ nghe lời thoại để hiểu. Thủ pháp này tạo nên chất điện ảnh rõ rệt, nhưng cũng yêu cầu sự kiên nhẫn và tinh tế của khán giả.

Hình ảnh ẩn dụ được cài cắm khắp phim, đẹp và gợi. Đàn cá gỗ -  món đồ chơi, hình ảnh vô thực lại là biểu tượng rõ nhất cho mộng tưởng bị giam cầm. Nó là “cá” nhưng lại không thể bơi. Nó đại diện cho tất cả những ước mơ trong phim: giấc mơ làm nhạc của Cường, giấc mơ đầy khoang cá của các thuyền viên, của cả Cường nữa, và cũng là giấc mơ cuộc sống tươi đẹp mới của Hoa. Nhưng rồi tất cả những “đàn cá” ấy đều bằng gỗ, đều là vật thế thân, không thể sống, không thể bơi, chỉ có thể trôi dạt và mắc cạn giữa đời thực.

dan-ca-go-2
"Bữa tiệc" hình ảnh được cfi cắm trong từng khung hình của bộ phim

Âm thanh vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu. Phim nêu bật âm thanh hiện trường, nhiều đoạn thoại bị lấn bởi sóng gió, khiến người xem phải căng tai. Nhưng chính sự thiếu “mượt” này lại làm nên sự chân thật như đang ở ngay trên thuyền.

Cao trào phim đến rất lặng lẽ: Cường đứng trên mạn thuyền, tay đánh vào cây đàn vô hình. Anh không lời, không nhạc, chỉ còn tiếng sóng vỗ và tiếng gió hú. Ngay sau đó, anh rơi xuống biển. Và giữa đáy sâu, cây đàn ngày nào cha ném xuống lại hiện ra, đàn cá bơi quanh. Nhưng đó chỉ là một ảo ảnh trong tâm thức, một hình ảnh không thực, nhưng mang đầy biểu tượng. Giấc mơ tưởng chừng bị chối bỏ, bị thực tế vùi lấp, hóa ra vẫn ở đó, lặng lẽ sống trong tâm thức Cường. Như đàn cá gỗ không có thật, không thể bơi, nhưng vẫn khát sống. Vấn đề không phải là ước mơ có còn, mà là người ta còn dám sống cùng nó không.

dan-ca-go-3
Hình ảnh đặc sắc nhất trong phim được đầu từ kỹ sảo

Cái đẹp của phim không nằm ở lớp đầu tiên, mà nằm trong những lớp sâu như chính đáy biển nơi Cường chìm xuống, nơi cây đàn nằm lại, nơi đàn cá gỗ vẫn đang bơi quanh.

Cái bóng của Phép màu liệu có quá lớn?

Một phần kỳ vọng lớn với Đàn Cá Gỗ đến từ cái tên bài hát Phép màu bản hit quốc dân từng làm mưa làm gió MXH. Ca khúc Phép màu được ban nhạc indie MAYDAYs phát hành MV vào ngày 14-2, bất ngờ trở thành hit quốc dân nhờ viral trên nhiều nền tảng. Nhờ sự yêu mến của khán giả dành cho Phép màu, đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt được tiếp thêm sức mạnh để đưa Đàn Cá Gỗ ra rạp - khoảng một năm sau khi phim giành giải Cánh diều vàng 2024 cho Phim ngắn xuất sắc

MV Phép màu thu về gần 40 triệu lượt xem trên Youtube

Hiệu ứng từ bài hát Phép màu là con dao hai lưỡi với Đàn Cá Gỗ. Ở mặt tích cực, nó mang đến lượng khán giả khổng lồ cho - một điều hiếm thấy ở dòng phim độc lập. Nhưng mặt khác, nó tạo ra kỳ vọng sai lệch.

Nhiều khán giả bước vào rạp với tưởng tượng rằng họ sẽ được chứng kiến một chuyện tình lãng mạn như MV, nơi hai nhân vật chính cùng biểu diễn, cùng yêu nhau bất chấp khó khăn. Nhưng phim thì hoàn toàn khác.

Đàn Cá Gỗ không phải là phần mở rộng MV. Nó là một thực thể điện ảnh độc lập, với ngôn ngữ riêng, không chiều lòng người xem. Thay vì tiếp nối giấc mơ yêu đương, phim bước vào vùng hiện thực khắc nghiệt: của gánh nặng, của mất mát, của trưởng thành. 

dan-ca-go-4
Câu chuyện về những ước mở giang dở được khắc họa rõ nét trong Đàn Cá Gỗ

Với thời lượng chỉ 30 phút, phim không đào sâu nhiều tuyến nhân vật hay tạo dựng lớp lang phức tạp. Điều đó khiến một số khán giả cảm thấy hụt hẫng. Nhưng nếu nhìn từ góc độ của phim ngắn, việc lựa chọn chỉ tập trung vào nhân vật Cường là một quyết định đúng. Nó giúp giữ được nhịp điệu vừa phải, tạo không gian cho cảm xúc lắng đọng.

Diễn xuất trong phim ở mức vừa vặn. Không ai quá xuất sắc, nhưng tất cả đều đúng vai. Gương mặt trẻ trung, mộc mạc của dàn diễn viên khiến câu chuyện có chiều sâu cảm xúc. Nét mơ màng của Hoa, ánh mắt ngờ vực và bất an của Cường, sự cứng rắn đến khô khốc của người cha mỗi người là một mảnh ghép khiến Đàn Cá Gỗ trở nên chân thực

Hình ảnh kết phim là mặt trời ló rạng. Một cái kết mở đầy hy vọng mà cũng rất đỗi thực tế. Cái kết này có thể khiến nhiều người hụt hẫng. Cường vẫn sống. Ước mơ vẫn còn đó chưa thể thực hiện, nhưng cũng không biến mất. Cây đàn nằm trong đáy sâu ký ức. 

dan-ca-go-5
Những hình ảnh đẹp đẽ trong quá khứ của 2 nhân vật Cường và Hoa được tua ngược lại để kết thúc bộ phim

Không thể phủ nhận hiệu ứng từ bài hát Phép màu đã đưa Đàn Cá Gỗ đến gần với công chúng hơn bao giờ hết. Nhưng chính kỳ vọng đó lại khiến một bộ phận khán giả hụt hẫng.

Đàn Cá Gỗ không mang đến một “phép màu” thông thường theo cách người ta mong đợi. Bộ phim là một lát cắt tinh tế về những giấc mơ bị kìm nén, những con người đi qua trưởng thành và học cách chấp nhận chính mình. Nó không mang tới một lời giải, mà là một chiếc gương phản chiếu cảm xúc của người trưởng thành: từng có mộng mơ, từng buông bỏ, và vẫn còn day dứt.

 

Bình luận