Ngày 17/6, dưới sự chỉ đạo của Thượng tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an TPHCM đã triệt phá một đường dây lừa đảo quy mô lớn, núp bóng doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn người dân trên cả nước, trong đó phần lớn là người cao tuổi.
Cầm đầu đường dây này là Trần Quang Đạo (33 tuổi, trú tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM), từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản. Đạo điều hành tổ chức bằng cách nhờ người thân đứng tên thành lập 4 công ty: Công ty TNHH TM & DV Ressun, Cửa hàng TikTok Shop Resshose, Công ty TNHH Rees Mark và Công ty TNHH TM & DV Lesson.

Lực lượng chức năng đã đồng loạt khám xét các trụ sở, phát hiện 218 đối tượng liên quan, trong đó có 149 phụ nữ. Gần 40 người giữ vai trò quản lý, trưởng phòng, tổ trưởng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Đạo để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thủ đoạn của nhóm tội phạm là lợi dụng thông tin cá nhân bị rò rỉ từ các nguồn dữ liệu trên mạng, gọi điện cho người cao tuổi dưới danh nghĩa nhân viên các cơ sở y tế, viện dinh dưỡng để tư vấn sức khỏe và mời chào tặng quà, khuyến mãi các sản phẩm dinh dưỡng, đồ gia dụng.
Sau khi tạo được lòng tin, các đối tượng tiếp tục dụ dỗ người dân chuyển khoản “phí vận chuyển”, “lệ phí trúng thưởng”, “đặt cọc quà tặng” và cam kết sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, chúng không giao quà, không hoàn tiền, cắt liên lạc và chiếm đoạt tài sản.
Chỉ tính trong hơn 100 ngày gần đây, đường dây này đã lừa được trên 10.000 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số tiền chiếm đoạt của nhóm này ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Bên trong các công ty, hoạt động lừa đảo được tổ chức như một doanh nghiệp thực thụ, có phòng hành chính, kế toán, chăm sóc khách hàng, bán hàng… Hoạt động được phân công, phân cấp chặt chẽ: người gọi điện, người soạn nội dung kịch bản, người xử lý thanh toán và giao tiếp khách hàng.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ cao với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, theo Điều 290 Bộ luật Hình sự, việc sử dụng mạng máy tính, viễn thông, thiết bị số để chiếm đoạt tài sản là tình tiết tăng nặng đáng kể.
Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang mở rộng điều tra, thu thập chứng cứ và làm rõ vai trò của từng đối tượng trong đường dây này để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.