Bốn tháng trước, Công an tỉnh Nghệ An nhận được hàng loạt đơn trình báo về việc bị lừa đảo qua mạng với chiêu thức rủ rê đầu tư "làm nhiệm vụ" mua hàng trên các sàn thương mại điện tử để hưởng "hoa hồng" ảo.
Nhiều nạn nhân, vì hám lợi và tin vào những lời hứa hẹn "cứ xuống tiền, sẽ sinh lợi nhuận cao và được hoàn vốn khi gặp rủi ro", đã lâm vào cảnh khánh kiệt, mất trắng tài sản.
Ban chuyên án nhanh chóng xác định các nạn nhân bị nhiều tổ chức tội phạm "giăng bẫy". Trong đó, nổi cộm là hai dạng đường dây chính. Đó là đường dây lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động tinh vi với hàng ngàn người tham gia, ẩn náu tại các đặc khu, ốc đảo, tòa nhà cao tầng ở Myanmar và Philippines.
Các ông chủ người Trung Quốc điều hành toàn bộ hoạt động, từ thuê trụ sở đến trả lương.
Mạng lưới toàn cầu: Đường dây này hoạt động rộng khắp thế giới, có chi nhánh tại nhiều nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, mỗi nơi cử người bản địa phụ trách.
Khoảng 300 người Việt Nam đã "tự tìm hiểu thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao" trên mạng, sau đó được tài trợ vé máy bay sang Myanmar và Philippines để tham gia đường dây.
Đường dây thứ hai với thủ đoạn "người Việt lừa người Việt", dưới sự quản lý của Phan Đình Thịnh (30 tuổi) và Lê Thị Trà (26 tuổi, vợ), hai đối tượng quê Hưng Nguyên, Nghệ An, các nhân viên được hướng dẫn lập tài khoản ảo trên mạng xã hội để làm quen, tán tỉnh phụ nữ đơn thân, đàn ông trung niên, rồi dụ dỗ họ đầu tư "làm nhiệm vụ" trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee và Lazada.
Ban đầu, nạn nhân được cho thắng vài lần, nhận cả vốn lẫn lãi hàng chục triệu đồng để tạo lòng tin.
Sau đó, chúng yêu cầu đầu tư thêm với số tiền lớn hơn, rồi cố tình gây lỗi hệ thống, buộc nạn nhân nộp thêm tiền khắc phục mới được rút, cho đến khi không còn khả năng chi trả.
Thịnh và Trà nhận lương 30 triệu đồng/tháng, nhân viên hưởng 15-18 triệu đồng, kèm "hoa hồng" trích từ tiền lừa đảo. Nếu một tổ lừa được 1 tỷ đồng, tổ trưởng nhận 7%, nhân viên từ 3-7%, phần còn lại chuyển về công ty.
Nhân viên bị tính công theo ngày, nghỉ sẽ bị trừ lương, muốn về nước phải hoàn tiền vé máy bay và nộp "phí đào tạo" từ 60-100 triệu đồng. Ai không có tiền thì phải làm không lương.
Những đối tượng này từng làm việc cho các tổ chức ở Myanmar và Philippines trở về, dựng lại mô hình cũ, tập hợp nhóm 5-7 người và hoạt động tại nhà riêng ở nơi hẻo lánh.
Chúng sống cô lập, khép kín, khóa cửa cả ngày để gọi điện lừa đảo.
Kẻ cầm đầu hưởng 30-40%, phần còn lại chia cho các thành viên.
Phạm vi hoạt động khắp các tỉnh thành trong nước, thực hiện hàng chục phi vụ thành công mỗi ngày, thu lợi bất chính rất lớn. Nhiều nghi phạm phất lên nhanh chóng, xây biệt thự, mua ô tô tiền tỷ.

Ban đầu, việc điều tra gặp muôn vàn khó khăn do thông tin tội phạm cung cấp đều là ảo, tài khoản nhận tiền không chính chủ. Việc truy vết nghi phạm ở nước ngoài càng trở nên phức tạp vì cơ chế phối hợp quốc tế còn vướng mắc.
Tuy nhiên, sau hơn ba tháng kiên trì điều tra, Công an Nghệ An đã làm rõ chân dung các nghi phạm và "giải mã" được nút thắt vụ án. Lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Cục nghiệp vụ Bộ Công an, công an các tỉnh và cửa khẩu, sân bay trên cả nước để lên kế hoạch "cất vó", nhắm vào ba nhóm đối tượng: nghi phạm từ Myanmar, Philippines nhập cảnh về nước; người từng tham gia đường dây đã về quê; và nhóm đang trực tiếp hoạt động tại nhiều tỉnh thành.
Ngày 23/6, các tổ công tác của ban chuyên án đồng loạt ra quân. Tại các cửa khẩu, sân bay: Hàng chục cán bộ công an mặc thường phục chia làm nhiều mũi, theo dõi từ xa. Khi nghi phạm hoàn thành thủ tục nhập cảnh, lập tức bám sát và khống chế chỉ trong vài chục giây.
Ban đầu, nhiều đối tượng phản ứng, bảo "bắt sai người", nhưng khi cảnh sát đưa ra các chứng cứ và hình ảnh trên lệnh bắt thì im lặng.
Nhiều mũi trinh sát đồng thời ập vào nhà các nghi phạm từng tham gia tổ chức lừa đảo ở nước ngoài. Vợ chồng Thịnh - Trà, sau vài tuần về quê, đã mặt biến sắc và nhận tội.
Chỉ trong một ngày, ban chuyên án đã bắt giữ gần 100 người liên quan đến các tổ chức lừa đảo trong và ngoài nước, thu giữ nhiều điện thoại, máy tính và tài liệu liên quan.
Theo điều tra ban đầu, đường dây do vợ chồng Thịnh - Trà quản lý cùng các nhóm trong nước đã lừa hàng nghìn người, chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Trung bình mỗi nghi phạm lừa hàng chục bị hại. Đáng chú ý, hai trường hợp mất nhiều nhất là một người đàn ông trung niên ở Nghệ An và một ở TPHCM, bị chiếm đoạt lần lượt 15 tỷ và 42 tỷ đồng chỉ trong hai ngày.
Công an tỉnh Nghệ An cho biết, để phá vụ án này, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã phải "căng mình", "đau đầu" vạch ra nhiều phương án tác chiến, di chuyển hàng nghìn km và xa nhà trong nhiều tháng để điều tra.
Thời gian tới, Công an tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với nhà chức trách Myanmar và Philippines để cung cấp thêm tài liệu, bằng chứng về các nhóm tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp để chặt đứt hoàn toàn "vòi bạch tuộc" này.
Hiện, Thịnh, Trà và hơn 90 người đã bị khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.