Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ 15/5 đến 15/6, toàn lực lượng đã kiểm tra 3.891 vụ việc, qua đó phát hiện và xử lý 3.114 vụ vi phạm.
Tổng số tiền xử lý vượt mốc 63 tỷ đồng, trong đó tiền xử phạt hành chính hơn 32 tỷ đồng, hàng hóa bị tịch thu trị giá gần 31 tỷ đồng. Đặc biệt, gần 36 tỷ đồng đã được thu nộp vào ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, 26 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển giao cho cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích cơ cấu vi phạm cho thấy, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 1.580 vụ (tương đương 52% tổng số vụ việc), kéo theo số tiền xử phạt hơn 16 tỷ đồng.
Tiếp đến là 648 vụ buôn lậu, chiếm hơn 21%, với số tiền xử phạt hơn 6 tỷ đồng.
Trong đợt cao điểm này, nhiều vụ việc nổi cộm đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Có thể kể đến vụ tạm giữ hơn 500 sản phẩm giả các thương hiệu cao cấp tại trung tâm Đà Nẵng ngày 20/5; vụ cơ sở sản xuất tất chân giả mạo tại La Phù (Hà Nội) ngày 26/5; hay vụ kiểm tra Saigon Square (TPHCM) ngày 29/5 thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng.
Đặc biệt, vụ kiểm tra 4 cơ sở mỹ phẩm tại Hà Nội ngày 9/6 đã phát hiện 3.500 sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, cho thấy sự phức tạp và tinh vi trong việc trà trộn hàng giả với hàng hóa hợp pháp.
Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành.
Điển hình như tại Kiên Giang, lực lượng Quản lý thị trường cùng công an đã phát hiện hơn 700 sản phẩm thời trang nhập lậu có dấu hiệu giả mạo trị giá hơn 210 triệu đồng.
Hay tại Ninh Bình, hàng ngàn sản phẩm giày dép, quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc đã bị thu giữ nhờ sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh mạng.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh giám sát thị trường thông qua công nghệ số, kết nối dữ liệu liên thông và hoàn thiện cơ chế pháp lý phù hợp với đặc thù thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Các chuyên đề kiểm tra hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được triển khai, song song với hoạt động tuyên truyền, ký cam kết với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.