Cụ thể, ước tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 4.165.000 tỷ, tăng 5,5 % so với cuối năm và tăng 13 % so với cùng kỳ. Đây là một tốc độ tăng trưởng khá. Nếu nhìn xuyên suốt, định hướng của ngân hàng trung ương trong năm 2025 là tín dụng tăng 16%. Như vậy, đối với thành phố Hồ Chí Minh gần như là duy trì được tốc độ tăng trưởng phù hợp với định hướng của ngân hàng trung ương để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế” – Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 tại hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 261, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 tổ chức vừa qua.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, xuất khẩu là một lĩnh vực được xem là động lực tăng trưởng kinh tế, và gần như trở thành một giải pháp lõi. Vì mỗi khi cả nước dồn sức để tập trung tăng trưởng kinh tế thì đều tập trung vào các động lực tăng trưởng, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là hoạt động có thể nói là không chỉ là mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế mà nó còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số ví dụ cụ thể như: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô vẫn rất ổn định, tỷ giá thị trường tương đối ổn định, lãi suất thấp hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp. Đây là những điều kiện hết sức quan trọng. Vì nếu nhìn ở góc độ vĩ mô, chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô thì những thành quả về tăng trưởng mới đảm bảo, đồng thời chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô thì các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng mới tăng trưởng và phát triển.
Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu, tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm đạt khoảng 146.500 tỷ, tăng khoảng 42 % so với cuối năm 2024, tăng 52% so với cùng kỳ. Phân tích thêm vì sao có tốc độ tăng trưởng cao như vậy, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, vì đặc điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu thì thường nó vay ngắn hạn, vòng quay vốn nhanh, doanh số cho vay tương đối lớn nhưng dư nợ thì cập nhật ở từng thời điểm. Chính vì thế, nên là hiệu quả sử dụng vốn của lĩnh vực này tương đối tốt. Hơn thế, doanh nghiệp xuất khẩu đều là những doanh nghiệp không chỉ đạt hiệu quả hoạt động cao, có thị trường, có xuất khẩu và thu hút bằng ngoại tệ nhiều. Ở góc độ hoạt động doanh nghiệp, đấy là yếu tố chính để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy nhu cầu vay vốn. Ở góc độ quản lý thì, đó là nhờ cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng của nền kinh tế vĩ mô rất ổn định, tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, cùng với môi trường đầu tư thuận lợi và dịch vụ ngân hàng tốt… đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng.

Với mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2025, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Điển hình như những gói tín dụng tác động trực tiếp đến cái chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất khẩu, gói tín dụng lâm sản, thủy sản hỗ trợ cho người nuôi trồng, chế biến… Với những gói tín dụng như thế, với những chuỗi cung ứng tốt doanh nghiệp có thể theo kịp và đảm bảo như hiện nay cùng với thì chính sách tiền tệ hợp lý sẽ hỗ trợ trực tiếp cho lĩnh vực xuất khẩu.