Trong nước, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 12/6 cũng ghi nhận mức tăng nhẹ.
Lúc 6h sáng ngày 15/6 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI đạt 73,18 USD/thùng, tăng 4,94 USD so với phiên giao dịch trước đó. Giá dầu Brent cũng tăng 4,87 USD, lên mức 75,18 USD/thùng. Diễn biến tăng giá diễn ra trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực Trung Đông, nơi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng dầu thô toàn cầu.

Iran – một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – hiện sản xuất khoảng 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu hơn 2 triệu thùng/ngày. Giới phân tích nhận định công suất dự phòng của OPEC và các nước đồng minh hiện tại chỉ đủ để bù đắp tương đương mức sản lượng của Iran. Điều này khiến thị trường năng lượng dễ bị tác động nếu có biến động lớn xảy ra tại khu vực này.
Khoảng 18-19 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương gần 1/5 nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đều phải di chuyển qua eo biển Hormuz – tuyến hàng hải chiến lược nằm giữa Iran và bán đảo Ả Rập. Các chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chặn tuyến đường này đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung toàn cầu, đồng thời tác động ngược đến chính nền kinh tế Iran.
Ngân hàng JP Morgan nhận định, phần lớn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran hiện được thực hiện qua đường biển, thông qua eo biển Hormuz. Do đó, việc phong tỏa tuyến hàng hải này sẽ làm gián đoạn dòng chảy thương mại và gây thiệt hại lớn cho chính nước này.
Dẫn nguồn từ Bloomberg, nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa hoàn toàn, giá dầu thô có thể vượt mốc 100 USD/thùng do thiếu hụt nguồn cung từ khu vực Vịnh Ba Tư. Giá khí hóa lỏng (LNG) có thể tăng ít nhất 35% so với hiện tại, còn chi phí vận chuyển dầu thô và các sản phẩm từ dầu sẽ biến động mạnh tùy theo mức độ căng thẳng giữa Israel và Iran.
Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu tại Mỹ đang có dấu hiệu chững lại. Trong tuần qua, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 3 giàn, còn 439 giàn – mức thấp nhất kể từ tháng 10-2021. Số giàn khoan khí đốt cũng giảm 1, còn 113 giàn.
Tại kỳ điều hành giá ngày 12/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố mức tăng đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 199 đồng/lít, lên mức tối đa 19.462 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 269 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.967 đồng/lít.
Dầu diesel tăng 280 đồng/lít, giá bán không vượt quá 17.700 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 227 đồng/lít, lên mức tối đa 17.511 đồng/lít. Dầu mazut tăng 283 đồng/kg, không cao hơn 16.461 đồng/kg.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 23 kỳ điều chỉnh, trong đó có 9 lần giảm, 9 lần tăng và 5 lần điều chỉnh trái chiều.
Biến động giá dầu thế giới đang tạo áp lực lớn lên thị trường trong nước. Cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để có các phương án điều hành phù hợp nhằm ổn định giá cả và đảm bảo nguồn cung.