Ngày 9/7, tại hội nghị sơ kết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM cho biết con số trên.

Đoạn đường sắt cao tốc đi qua TP HCM dài khoảng 17 km, với hai điểm chính là ga Thủ Thiêm rộng hơn 17 ha và Depot Long Trường hơn 60 ha. Tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 2.100 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thành phố đã giao các đơn vị chuyên môn rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị mặt bằng để sẵn sàng triển khai đồng bộ cùng các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện vẫn chờ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) bàn giao ranh mốc cụ thể để làm cơ sở kiểm đếm, đo đạc, chi trả bồi thường và tái định cư.
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được yêu cầu Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất phương án giao chủ đầu tư, lập và thẩm định dự án bồi thường cho đoạn tuyến đi qua địa bàn. Đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ tham mưu bố trí vốn thực hiện.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Sở Xây dựng rà soát ranh tuyến, tránh chồng lấn các quy hoạch khác, kết hợp nghiên cứu mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) tại hai khu vực ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao kiểm tra lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đề xuất kế hoạch thực hiện công tác bồi thường gắn với mô hình TOD ở các vị trí trên.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km, đi từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP HCM), được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD).
Tuyến có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, sử dụng khổ ray đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h. Dự kiến toàn tuyến hoàn thành năm 2035, sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn hợp pháp khác.