Thông tin trên được đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) công bố ngày 18/6.
Tính từ khi bắt đầu vận hành thương mại vào ngày 22/12/2024 đến nay, tuyến metro đã thực hiện tổng cộng 34.626 chuyến tàu, hoàn thành 100,3% kế hoạch đề ra. Trong đó, ngày thường ghi nhận trung bình 50.423 lượt khách, còn các ngày cuối tuần con số tăng lên 76.414 lượt, cho thấy sức hút lớn của loại hình vận tải hiện đại này đối với người dân thành phố.
Hiện tại, tuyến metro đang khai thác 9 đoàn tàu, vận hành liên tục từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày. Vào giờ cao điểm, tàu chạy với tần suất 8 phút/chuyến. Mỗi đoàn tàu có khả năng phục vụ tối đa 930 hành khách, trong đó có 147 ghế ngồi và 783 chỗ đứng.
Giá vé metro được đánh giá là phù hợp với thu nhập của người dân: vé lượt dao động từ 6.000 đến 20.000 đồng, vé ngày 40.000 đồng, vé 3 ngày giá 90.000 đồng. Vé tháng dành cho người đi làm là 300.000 đồng, riêng học sinh - sinh viên chỉ phải chi 150.000 đồng/tháng nhờ chính sách ưu đãi.

Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM, có tổng chiều dài 19,7km, gồm 14 ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng và được khởi công từ năm 2012.
Sau hơn một thập kỷ thi công, tuyến metro chính thức vận hành thương mại vào cuối năm 2024, đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình hiện đại hóa giao thông đô thị của TPHCM.
Theo đề án phát triển đường sắt đô thị, TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động thêm 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km trong 10 năm tới.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, thành phố dự kiến huy động khoảng 209.500 tỷ đồng từ nhiều nguồn: ngân sách trung ương, tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm chi tiêu, vốn ODA, phát hành trái phiếu và đặc biệt là khai thác quỹ đất tại các nhà ga theo mô hình TOD (Phát triển đô thị định hướng giao thông).
Với đà phát triển hiện nay, metro không chỉ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông mà còn được kỳ vọng là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thay đổi diện mạo đô thị của TPHCM trong thập kỷ tới.